Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

MEETING SYNDROME




HỘI CHỨNG HỌP!

Nếu bây giờ bạn có dịp đi du lịch từ Nam chí Bắc, tới tỉnh nào, bạn cứ chọn nhà khách để trọ, và bật TV lên xem chương trình thời sự của đài địa phương, tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ rút ra kết luận giống tôi: Bản tin thời sự ngày nào, đài nào cũng có 5, 7 tin họp! Con số cuộc họp ở các đô thị lớn nghe nói còn nhiều hơn: Hà Nội bình quân 1000 cuộc họp/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh chừng 600. Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đồ Sơn v.v… đều có họp đều đặn. Đó là chưa tính những cuộc họp cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ quan…

Ai cũng thấy, họp hành, hội nghị, hội thảo quá nhiều, gây ra tốn kém tiền của (tiền thuê địa điểm, tổ chức ăn nghỉ, vé máy bay và những khoản tiền khó nói...). Họp nhiều còn gây lãng phí thời gian do đi lại nhiều, mất nhiều công sức. Một vị cán bộ lãnh đạo tỉnh nói, có ngày ông nhận được 15 giấy mời đi họp. Mà ông họp thì thường phải phát biểu, cho ý kiến chỉ đạo. Thời gian bị làm "người mẫu" nhiều quá nên đâu còn tâm trí để nghiên cứu nội dung họp mà chỉ đạo. Nếu phát biểu thì phải nói chung chung. Ai làm báo trong thời bao cấp tới giờ thì rất rõ chuyện họp vì nhà báo Việt Nam còn phải sống chung với họp dài lâu nữa. Có lần một vị đại biểu Quốc hội đã phê thẳng chuyện cơ chế phong bì khi đi hội họp đã dẫn đến tình trạng ''đâu có họp là ta cứ đi''.

Trong rất nhiều cuộc họp lớn, bao nhiêu đại biểu từ các tỉnh thành ban ngành về thủ đô đã được phát sẵn tài liệu (các báo cáo chính thức, các tham luận hội nghị). Song thời gian của cuộc họp ấy hầu như không có cho việc trao đổi ý kiến qua lại vì nó bị dành cho việc nghe đọc các báo cáo đã phát. Đại biểu nào may mắn thì được phát biểu 1 lần, nói ngắn gọn, không tranh luận…

Trong quản lý nói chung, việc họp là cần thiết. Nhưng ở nước ta thực sự có hội chứng họp hành như một vấn nạn. Đó là sự bất cập về cơ chế quản lý tại các cơ quan nhà nước: quá nhiều đầu mối, nhưng không rõ chức năng và nhiệm vụ, phân công chồng chéo, trùng lắp, ai cũng được quyền đưa ý kiến nhưng chẳng ai đưa ra quyết định cuối cùng… Khi người chủ trì và đại biểu tham gia họp không đủ thẩm quyền kết luận cuối cùng, một vụ việc có thể phải họp đi họp lại nhiều lần.

Ngược lại, có những trường hợp vì muốn quyết định theo ý chí cá nhân một việc gì đó, những người lãnh đạo thường tổ chức họp để “hợp thức hóa” ý tưởng chủ quan này. Bản chất những cuộc họp như thế là mất dân chủ. Nhưng đó cũng là cơ chế.

Và cũng có những người biết lợi dụng cơ chế trong chuyện họp hành để trục lợi.

Cái gì phát sinh từ cơ chế, chỉ có thể hạn chế bằng cơ chế.

Công nghệ thông tin đã cho phép tổ chức nhiều hình thức họp đỡ tốn kém hơn cho ngân sách như dạng video conference. Hoặc họp qua diễn đàn mạng (kiểu chat tập thể với một "phòng họp ảo"). Nhưng để tham gia họp qua diễn đàn này, các thành viên phải biết dùng máy tính để chat, ý kiến phát biểu cũng dễ dàng được tổng hợp, lưu lại. Đại biểu (từ nhiều không gian trên thế giới) có thể trao đổi ý kiến qua lại thoải mái, dân chủ, tìm hiểu vấn đề sâu hơn mà không sợ mất thì giờ của mọi người như trao đổi trên hội trường… Tiếc là các đề án tin học hóa những năm qua chưa khai thác khía cạnh kỹ thuật này và cán bộ của ta thường lên án chuyện chat, blog nhưng đại đa số chẳng biết nó là thế nào. Trong một chừng mực hẹp, họp có thể tiến hành qua mạng với webcam để truyền tải hình và tiếng nhờ internet, rẻ tiền và thuận tiện. Các phần mềm như Yahoo Messenger, Skype cho phép làm điều đó. Với Skype, có thể hội thảo 9 đầu cầu bằng webcam qua internet ngon lành (Ban Thời sự VTV đã ứng dụng phần mềm để giao ban hàng ngày với các Trung tâm truyền hình Việt Nam tại các khu vực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức họp giao ban tuyên giáo các huyện tương tự như thế).

Hội chứng họp vô bổ và tốn kém đã có nhiều người nói. Thậm chí từ cách nay gần 2/3 thế kỷ, nhà thơ Maiacovski đã có bài thơ phê phán.

Entry chỉ muốn gợi lại một vấn đề cũ (nằm trong loạt bài những chuyện chỉ có ở VN) và lẽ ra được post 2 ngày rồi nhưng tôi cũng bị những cuộc họp đầu tuần làm mất nhiều thời gian. Tranh thủ vào blog được một tí vào giờ nghỉ là phải chuẩn bị đi họp.

Nhãn:

11 Nhận xét:

Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Việt Nam là nước có cơ chế “Đảng cử dân bầu”, phần lớn cán bộ nhà nước do Đảng bổ nhiệm trong thực tế. Đó là nguyên nhân của hội chứng họp. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực ra nó đúng thế. Người lãnh đạo nếu dám chịu trách nhiệm thì chẳng cần họp cũng có thể đưa ra quyết định tốt. Chỉ cần dựa trên pháp luật. Tất nhiên pháp luật phải thành chỗ dựa trong quản lý cũng như chuyện chồng chéo trong trách nhiệm và quyền hạn cần phải giảm bớt.

lúc 20:15 9 tháng 7, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Một tuần chỉ có 7 ngày
6 ngày blog, 1 ngày đi chơi
Làm báo là chuyện phụ thôi
Blog là chính cho vui cửa nhà
(Hồi trưa có comment cho bác về cái vụ họp này nhưng tự nhiên Yahoo báo lỗi và đơ ống điếu luôn cả buổi trưa).

lúc 01:15 10 tháng 7, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

@ Thấy chưa... Tú cũng họp!
@ Hic! chuyện họp giống như "món ăn" khoái khẩu của nhiều người. Bác Tú nói thế... chưa được đâu. Làm "sếp" mới được đi họp chứ đâu phải ai muốn cũng được! Vì chuyện họp có nhiều cái lợi hơn Bác kể nữa:
- Đi nhậu, quên rước con .... vợ la .... "em à anh bận họp"!
- Bạn rũ nhậu nhiều quá.... từ chối..." mình bận họp"!.
- Lỡ hẹn với bạn nhậu... đi luôn ngày thứ 7, chủ nhật... "em à tranh thủ họp ngoài giờ vì 40g/tuần không đủ".
- Nhậu về quá khuya... vợ hét ...." em à họp xong, đi ăn cơm với mấy anh em, làm mấy chai bia...".
- V.v.... vậy là có lợi quá chừng rồi Bác?
@ Hiện đã có lệnh giảm bớt những cuộc họp k cần thiết rồi đó, ấy vậy mà cơ quan tôi... thứ 3 tuần rồi.. tôi phải chạy "sô" trong buổi sáng hết 3 cuộc họp (không có phong bì nào nha).
@ Để ứng dụng tin học đại trà (như Tú nói)... mình nghĩ ít nhất là phải đến đời con bạn... lên làm sếp!

lúc 05:12 10 tháng 7, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

Tại sao mình nói vậy? câu chuyện sau đây có thật 100%.
Mình nối mạng (LAN) trong cơ quan (có sever quản lý chứ k nối mạng ngang hàng) và dùng 1 máy thường thôi làm máy chủ để chia sẻ tài nguyên cho nhau và 1 số phần mềm dùng chung, được cài đặt lên máy chủ. Chạy ngon lành, anh em cơ quan rất phấn khởi, trao đổi chuyện trò gì cũng đều qua mạng (skype, yahoo messenger)... cước điện thoại giảm xuống rõ.
Một hôm, "Sếp" ghé phòng: "ê, sao phòng mày tới 2 máy tính, máy mới cấp sao để nó ngồi không vậy mà mày lại xài máy cũ? - Dạ thưa Sếp, em lấy máy đó để làm máy chủ (đỡ) để nối mạng... vì cơ quan mình chưa có máy chủ - Máy chủ là cái gì, ở đây không có chuyện "chủ - tớ" gì cả... mày k xài, để nó ngồi không vậy là lãng phí... đem xuống phòng khác cho tụi nó đánh máy... nhanh!" ...
thế là "toi mạng"! Hic!!!

lúc 05:34 10 tháng 7, 2007  
Anonymous [deleted] nói...

KHông họp không được, họp nhiều thì loãng,..
Có lẽ ít họp lại mọi người mới thấy cần phải họp nghiêm túc như thế nào..
Và tổ chức họp phải liên quan đến lợi ích của mỗi người thì họ mới quý thời gian cho việc họp..

lúc 05:56 10 tháng 7, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Họp nhiều phản ánh sự yếu kém và sợ trách nhiệm của người đứng đầu. Không ít trường hợp thẩm quyền giải quyết đã được quy định rõ ràng, nhưng người lãnh đạo không dám hoặc không muốn làm, từ đó tổ chức ra những cuộc họp để gắn trách nhiệm với tập thể.

lúc 05:59 10 tháng 7, 2007  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

- Chuyện họp hành ở ta là chuyện dài muôn thuở và nhiều tập bác Tú ạ. Biết làm sao được! Các sếp nhà ta, sếp nào cũng có một máy vi tính, chẳng những 1 mà còn có thêm cái Laptop cho nó hợp thời. Âu cũng là một cái trang sức thời thượng cho nó ra dáng 1 cái văn phòng hiện đại vậy. Còn việc ứng dụng CNTT thì ... biết nói thế nào đây! Bao giờ cho đến bao giờ! ?
- À, sẵn Trần huynh gơi ý, tại hạ có biết sơ vài câu mà các anh em trong FPT truyền tụng trong những ngày đầu khởi nghiệp như sau:
Cùng nhau đi Marketing
Phần mềm như phần cứng
Cầm Customer List
Ta quyết chí hy sinh
Nào Anh em mềm ta
Nhiều khi cũng phải cứng
Còn Anh em phần cứng
Cũng nên có lúc mềm...

lúc 18:24 10 tháng 7, 2007  
Anonymous huynhtoi2007 nói...

Nói chuyện họp nhiều, tui giật mình. Tự kiểm tra lại, trong đời mình đã dự bao nhiêu cuộc họp? Ở đâu? giải quyết việc gì? đã đóng góp được gì?. Trời cũng không nhớ nổi!. Chỉ biết rằng: Số cuộc họp thường nhiều hơn số buổi trong ngày, ngồi họp nhiều hơn tâm tình với vợ, ăn cơm hội nghị nhiều hơn cơm nhà ... nếu không có họp nữa, trời ơi là buồn. Nghề nghiệp ghi trong lý lịch: Hội họp.

lúc 23:16 10 tháng 7, 2007  
Anonymous TranBaPhung nói...

Bạn hiền ơi... Hè hè ... chó sủa cứ sủa đoàn người đi họp cứ đi. Cái này mình nhớ có kẻ méo mó bài Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi nhưng không nhớ, tiếc quá. Nếu nhớ mà pót ra đây cũng dzui.

lúc 00:50 11 tháng 7, 2007  
Anonymous honhyday nói...

Tuần có 5 ngày làm việc, hội họp mất 4,5 ngày. Nhiều lúc chẳng buồn bấm máy chụp hình. Bởi cuộc họp nào cũng thế, vẫn khung cảnh ấy, phòng họp ấy, chừng ấy khuôn mặt quen, chỉ khác là phông chữ là thay đổi theo nội dung cuộc họp. Có nhiều hôm xin báo cáo xong mình về liền bị nhắc nhở: phải ở lại chụp hình các lãnh đạo phát biểu chứ. Giờ thì mình có hẳn 1 kho ảnh tư liệu chụp hình các vị lãnh đạo đang đứng trên bục phát biểu, mình đã sắp xếp theo thứ tự thời gian và cho vào mục riêng CHAN DUNG ANH HOI HOP (bản thân mình thì chưa lần nào sử dụng những hình đó). Các đơn vị rất hài lòng về mình, vì mỗi khi họ cần ảnh nào là mình có gởi cho họ liền!

lúc 01:46 11 tháng 7, 2007  
Anonymous honhyday nói...

Có lần, trong cuộc họp Đảng uỷ, các đồng chí đảng viên đang say sưa thảo luận, bỗng nghe tiếng khò khò vang lên. Mọi ánh mắt dồn về phía âm thanh phát ra. Hoá ra đồng chí Giám đốc tay chống cằm đang chìm vào giấc ngủ. Cả phòng họp nín lặng... chờ đợi. 2 phút sau Giám đốc thức dậy tiếp tục chủ trì cuộc họp. Thì ra, suốt tuần qua Giám đốc phải chạy xô họp hành nhiều quá, đêm lại thức để xử lý công việc nên thiếu ngủ.

lúc 01:57 11 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ