Thứ Tư, 16 tháng 5, 2007

THE RIGHT TO COPY?




BẢN QUYỀN VÀ QUYỀN ĐƯỢC... COPY?

1/ Mỗi ngày, xem chương trình của Đài nọ, tôi như bắt gặp những người quen. Cả một chuyên mục thị trường - đoi khi - toàn bài vở của các báo đã đăng trước đó. Thậm chí người biên tập không thèm “xào” lại cho phù hợp với văn phong phát thanh – truyền hình, không thèm theo dõi bản tin sáng của chính Đài mình trước đó 2 ngày đã luộc tin này rồi. Nguồn tin chủ yếu lấy từ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VNExpress, VietnamNet v.v… rồi "đắp" hình tư liệu vào, có khi đi phỏng vấn thêm để thành một “phóng sự” của bản đài. Nhuận bút tin bài như thế thuộc về ai là chuyện nội bộ, tôi không quan tâm. Điều làm những người làm báo bực mình là vì sao họ "luộc" mà không có một dòng thông báo tin, bài này nguồn nào… Có những BTV đứng trước máy đọc một nguyên văn một đoạn trong một bài báo của những tác giả khác như là ý của mình mà không thấy ngượng. Có lần một tin chứng khoán bị sai kiến thức, báo online đã sửa lại sau khi upload lần đầu, nhưng Đài này khai thác bản cũ (và có lẽ do chưa hiểu) nên cứ để thế mà phát. Công thức làm phóng sự của chuyên mục này: Lấy một bài trên Net hoặc báo + Đi ghi hình liên quan (ví dụ, bài về đồ nội thất, đi tìm cơ sở bán đồ nội thất; bài về hàng rượu bia, ra đại lý bia, về giá xăng dầu thì ra các cây xăng v.v…) + phỏng vấn chủ cửa hàng hoặc những người có liên quan (cái này “phỏng vấn làm quà”, "làm PR" cũng tiện lắm à nhen!) + Đứng trước máy nói đôi lời mở hoặc kết (thường học thuộc bài đã luộc trên báo, Net). Ví dụ thì nhiều lắm, kể ra chắc đầy entry mất. Nhưng quá trình áp dụng công thức này thỉnh thoảng cũng có những trường hợp mà chúng ta chỉ có thể thốt lên “bó tay!” vì người luộc không hiểu hết bài của tác giả thật, nên lắp ghép phỏng vấn vào nó trớt quớt! Cái này phải ví dụ - dù entry chắc dài: Bài viết của tác giả Hồng Nhung trên Tuổi trẻ nhan đề “Có nên mua tivi LCD để xem truyền hình?” (các bạn có thể bấm vào đây để xem lại) ; có nội dung chính: Tivi màn hình phẳng LCD không phát huy tác dụng như quảng cáo khi xem truyền hình vì chuẩn kỹ thuật phát sóng ở Việt Nam không phù hợp, nó chỉ được khai thác tốt khi xem đĩa DVD thôi, nhưng giá tivi LCD mắc hơn màn hình thường. Khi bài này được xào thành “phóng sự thị trường” của Đài ấy, với công thức pha chế như trên, “biên tập viên’ đã ra các đại lý máy thu hình để phỏng vấn. Trả lời “nhà báo” là các cô gái bán hàng, các cô cứ một mực nói như cái máy về cái hay, cái đẹp, độ nét của LCD. Lời bình “xào mà không xào” thì cứ nói một nẻo về chuyện kỹ thuật và chứng minh rằng khách hàng sẽ thất vọng khi sử dụng LCD. Nếu bạn coi được cái gọi là “phóng sự” này thì mới cảm được cái oái ăm đó!

2/ Lại mỗi ngày, trên bản tin sáng của một Đài Truyền hình, nhiều tin thấy quen quen. Hóa ra những tin này mình đã coi trong chương trình thời sự của Đài quốc gia đêm trước. Tin được thu lại, đọc lại dựng lại. Nhưng có một điều, khi dựng băng, người ta đã "chặt đầu, chặt đuôi" khung hình gốc. Truyền hình Việt Nam hiện nay phát sóng theo tỷ lệ chuẩn 4:3, cách “biên tập” video khai thác này biến nó thành tỷ lệ 16:9, giống coi DVD. Tin khai thác đa phần là tin lễ tân ở TW, thường chỉ có Đài quốc gia mới có cơ hội tiếp cận các đồng chí lãnh đạo cao cấp để làm tin. Hình ảnh trong nhiều bản tin, có những cảnh cận các gương mặt phát biểu, các đồng chí lãnh đạo bị cắt một phần đầu. Lý do họ cắt trên, cắt dưới khung hình gốc: xóa logo VTV.

Tất nhiên, khi đã cắt logo của nguồn tin mình khai thác thì còn gì phải nói đến chuyện giới thiệu nguồn tin. Nhưng cũng chính Đài này thì rất sốt sắng khi nói chuyện hội nhập trong rất nhiều chương trình, chuyên mục…

3/ Hiện nay, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia nằm trong top đầu thế giới về vi phạm bản quyền. Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng nếu không ngăn chặn tình trạng này thì chúng ta khó tiếp cận công nghệ mới, thậm chí là gặp nhiều rào cản hội nhập. Việt Nam đã gia nhập WTO, vi phạm bản quyền về lâu dài có thể dẫn đến các vụ kiện tụng và đền bù thiệt hại tại các toà án quốc tế. Bởi WTO là một sân chơi sòng phẳng và minh bạch, trong đó vấn đề bản quyền rất được coi trọng.

Hầu hết các đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện trong cả nước hiện nay khai thác tin thế giới, tin trong nước, tin kinh tế, tin khoa học – kỹ thuật, tin văn hóa – nghệ thuật từ các kênh truyền hình nước ngoài qua vệ tinh, cable, báo chí trực tuyến để dùng cho các bản tin phát thanh, truyền hình nhưng thường rất ít Đài dẫn nguồn. Nhiều website báo chí trực tuyến Việt Nam hiện cũng khai thác các nguồn tin từ các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài và trong nước nhưng cũng thường “quên” nhắc đến nguồn tin mình sử dụng. Đây thực chất không còn đơn thuần là chuyện đạo đức nghề nghiệp mà là những vấn đề pháp lý sẽ nảy sinh chưa thể lường trước được.

Tiến trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn. Báo chí Việt Nam hiện nay và trong những năm tới chắc chắc sẽ đối mặt với vấn đề bản quyền để phát triển bền vững. Các nhà quản lý có thấy được ảnh hưởng tiêu cực của thực trạng này để có những biện pháp quản lý và tổ chức thông tin chưa?

Còn bạn, bạn nghĩ gì?

Nhãn:

8 Nhận xét:

Anonymous Crystalhouse nói...

Con gái mình học đại học RMIT năm thứ nhất . Nó xin lấy mô hình công ty của mẹ để làm đề tài . Nghe đâu bài của nó là Hành Vi Tổ Chức . Sau khi đề nghị mẹ nó với tư cách là người quản lý công ty - nhà cấp phép - ký một lọat mấy tờ giấy với nội dung là đồng ý cho sử dụng thông tin vào việc a,b,c . Mỗi lần làm gì thêm là nó lại xin chữ ký . Trước khi thuyết trình trên lớp, team của nó gửi bài cho mình nhờ xem hộ . Nó bảo, xem giúp xem có những chi tiết nào của công ty mà vì vô tình chúng nó đã sử dụng như của nó không ? nó bảo trường con có cái máy độc lắm, đó là máy phát hiện việc "Đạo Văn", chỉ cần 8 từ liên tiếp trong 1 câu không phải của mình là được máy phát hiện ngay và xử lý nặng lắm chẳng còn tý danh giá nào đâu . Hihi đề nghị nhà Đài nên nhập ngay cái máy đó về đi hihihihi Mỗi lần máy phát hiện nó sẽ kêu lên như con vẹt học nói "ăn cắp ăn cắp" thay vì vẹt nói "có khách có khách "

lúc 00:46 17 tháng 5, 2007  
Anonymous Crystalhouse nói...

Nói là máy nghe cho nó hài hước, chỉ một phần mềm có khả năng phát hiện những cụm câu có nội dung giống những nội dung đã lưu trữ trong hệ thống . Việc xử nặng là một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu .

lúc 01:46 18 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Chẳng cần phần mềm đâu, chỉ cần nhờ Google, Yahoo... hay bất cứ search engine nào trên internet cũng có thể kiểm tra dễ dàng... Nhưng cho dù có cái phần mềm thật thông minh thì cũng vô ích khi não trạng bản quyền chưa thay đổi...

lúc 03:41 18 tháng 5, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Vậy Hội Nhà báo Đồng Nai nên thành lập GIẢI BÁO CHÍ ĐÔI ĐŨA VÀNG (hoặc cái muỗng vàng, miễn đó là một dụng cụ CHIÊN XÀO được) bên cạnh GIẢI BÁO CHÍ NGÒI VIẾT VÀNG hằng năm để trao cho những nhà báo XÀO giỏi trên các lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình. Tôi xung phong làm giám khảo không công cho!

lúc 04:47 18 tháng 5, 2007  
Anonymous Cúc tím nói...

Luon luon lang nghe, lau lau moi hieu!
Ac ac...

lúc 02:18 19 tháng 5, 2007  
Anonymous manhtran81 nói...

Em cũng thấy các báo và website Việt Nam giống nhau đến khó hiểu. Có lẽ khi lập dự án, họ cũng đưa ra những điểm khác biệt về dịch vụ của họ. Nhưng cuối cùng thì vẫn là copy và paste, không có bản sắc gì cả.

lúc 04:39 19 tháng 5, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Quyền được copy mà! Chuyện này còn lâu mới giải quyết được. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Đợi chú Bill Gates kiện thử bên phần mềm rồi bên báo chí mới sáng ra chăng?

lúc 21:22 19 tháng 5, 2007  
Anonymous duythiện nói...

có lần trong cuộc trò chuyện, tôi nói rằng thích Google hơn Microsoft, vì Google tặng cho xã hội rất nhiều còn Microsoft lấy tiền của xã hôi rất nhiều. Anh bạn hỏi lại nhẹ nhàng: 'thế Microsoft lấy được của anh bao nhiêu rồi?' -'cũng cả chục ngàn đồng rồi đó chứ' -'đó là tiền anh trả cho người chép lậu thôi. Vả lại, nếu không có Microsoft thì cũng chẳng có Google đâu'
Tôi giật mình. Bấy lâu tôi chẳng hề áy náy vì chuyện xài phần mềm lậu. Lại còn lý sự: tại mình còn nghèo quá mà !

lúc 03:32 22 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ