Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2007

CRYING FOR MEDIA MISSION

CHÁU KHÓC KHI ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO KHÓC CHÚ

Tối nay, 20/4, gõ vào Google chuỗi ký tự “Trần Bạch Đằng” (hạn chế thời gian tìm kiếm là 3 tháng qua – vì đây là tuỳ chọn nhỏ nhất). Kết quả: 381.000. Con số không làm tôi ngạc nhiên. Tất nhiên, tên của ông còn xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu này nhiều hơn nữa, trong nhiều ngôn ngữ khác…

Những năm gần đây ở Việt Nam, có lẽ sau Trịnh Công Sơn, Trần Bạch Đằng là người có nhiều bài báo tiễn đưa nhất khi qua đời. Báo lớn, báo nhỏ. Báo TW, báo ngành, báo tỉnh. Tôi lẩn thẩn đặt ra một câu hỏi: Dưới suối vàng, chú Tư nếu đọc được những bài báo như thế không biết ông buồn hay vui?

Trần Bạch Đằng là người đa tài đến nỗi các nhà báo khi viết những bài ấy phải khổ sở liệt kê các “nhà” ông vốn là. Khi ráng “nhớ linh xưa”, nhiều bài báo khóc ông thành ra dây cà dây muống. Có một tỷ lệ không nhỏ các bài báo ấy mở đầu bằng một câu thông tấn lạnh lùng: “Vào hồi…., nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu…. Trần Bạch Đằng đã qua đời tại… sau một thời gian lâm bệnh mặc dù đã được các bác sĩ tận tình…”. Sinh thời, chú Tư cực giỏi nhạc điệu khi xử lý văn bản. Vẻ đẹp tư duy, vẻ đẹp triết luận trữ tình toát lên trong văn ông – văn của một nhà báo. Hãy đọc lại bài viết tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh của chú: cái tình toát lên đằng sau con chữ. Có cảm giác có những tiếng nấc nghẹn ngào đằng sau những câu ngắn bất ngờ trong đoạn mở đầu. Nhưng bài báo đó ông viết cho số đông, viết cho tương lai.

70% số bài khóc chú Tư đều có “mô-típ” kể lại một vài kỷ niệm giữa tác giả và cụ. Chuyện này cũng bình thường. Nhưng có những “kỷ niệm”, mục đích tôn vinh tài năng nhân cách của người vừa ra đi thì ít, mà để khoe bản thân người viết thì nhiều.

Có thể tôi là người cực đoan. Có thể những dòng này vô tình xúc phạm đến nhiều người. Tôi ngàn lần xin lỗi về điều đó. Bởi tôi viết những dòng này như khóc cho chính mình, một người làm báo hậu thế. Tôi vẫn từng nghĩ làm báo lâu năm không phải là thước đo của nghề cũng như đã từng nể phục nhiều cây viết trẻ thế hệ 8X. Chú Tư không là nhà báo theo nghĩa là người làm trong một cơ quan báo chí, hay người được cấp thẻ nhà báo; càng không phải là nhà báo vì đã làm báo lâu năm, nhưng, trong tôi, ông quả thật là nhà báo lớn cả về sức nghĩ, sức viết và sự tài hoa cho đến những ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous huynhtoi2007 nói...

Trong tiếng Việt, có cách dùng từ rất hay: Động từ + theo = Ăn theo, khóc theo ... bây chừ cóp thể nói thêm "khen theo". Khi Nhà văn còn sống, lắm điều khó khăn ít người biêt đến, giờ thi nở rộ. Có điều, giá trị đích thực thì không ai có thể phủ nhận. Thíc nhất là mấy dòng sổ tang của GS Trần Văn Giàu và câu chuyện về chiêc chiếu thủng.

lúc 01:57 20 tháng 4, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Và phía bên kia chiến tuyến của lương tâm, danh dự, nhiệt huyết của NGƯỜI LÀM BÁO còn có cả những nhà báo chỉ đáng làm ... chòi báo, lều báo,... thậm chí là điếm báo. Nhưng xét đến cùng, thời gian không bao giờ vận động thụt lùi, phải không ạ?!.

lúc 18:26 20 tháng 4, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Chẳng hiểu lắm ý bác Tú trong entry này. Có phải bác đang muốn khóc cho một thế hệ nhà báo hậu thế quá tệ về chuyên môn, hay tình trạng kém cõi về chuyên môn vẫn đang tồn tại trong báo giới thời thị trường này. Mà chuyên môn của báo chí thì nhiều vô kể. Và báo chí truyền thông thì phát triên nhanh vô cùng. Nội cái chuyện blog này chúng ta cũng chưa hiểu hết... Bức xúc làm gì? Tôi thấy bác hơi thiên về cảm hứng phê phán đấy. Viết chuyện tiếu lâm đi nghe cho "đã"

lúc 02:10 21 tháng 4, 2007  
Anonymous Ngôn Action++ nói...

Em cũng đồng ý với ý kiến anh Tú. Hiện tại vẫn còn nhiều người lợi dụng một số sự kiện để quảng bá cho bản thân mình. Thật ra quảng bá thì cũng không có gì sai, nhưng không nên quá phô như vậy và đặc biệt hơn là trong những hoàn cảnh trang nghiêm như thế này.

lúc 03:17 21 tháng 4, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ