Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007




Lâu lắm rồi mới đi karaoke. Đi hát mà lại nảy ra một ý viết blog về nghề.

Ấy là trong lúc hát hò, nhiều bác đi chung với mình hứng quá cầm micro nhảy lung tung trong phòng karaoke như ca sĩ chuyên nghiệp, thỉnh thoảng quay về hướng karaoKER để biểu diễn, phòng hát bố trí loa không hợp lý lắm nên thỉnh thoảng tiếng hú lớn xảy ra. Mất cả hứng.

Hiện tượng này dân kỹ thuật gọi là hiệu ứng Larzen: Trong hệ thống tăng âm, khi micro và loa đối đầu nhau, tín hiệu âm thanh từ loa chĩa thẳng vào mic cùng pha, xảy ra hiện tượng mà có cái tên kỹ thuật là hồi tiếp dương. Hồi tiếp dương quá lớn sẽ dẫn đến dao động tự kích và tạo tiếng hú chói tai.

Các sân khấu ca nhạc vì thế không ai để dàn loa phía sau lưng ca sĩ (có chăng là một cái loa “control” có công suất nhỏ, dân chuyên nghiệp thì dùng headphone để kiểm tra âm lượng)

Chuyện “hồi tiếp dương” này liên quan gì đến nghề báo? Có đấy.

Trong phát thanh truyền hình trực tiếp, nhiều phóng viên nếu chưa kinh nghiệm sẽ vô tình đẩy lên sóng những tiếng hú khủng khiếp ấy tặng cho khán thính giả.

Một thính giả phát thanh khi nghe chương trình ca nhạc theo yêu cầu chẳng hạn, có thể dùng điện thoại của mình để gọi tới giao lưu. Trong khi gọi, máy điện thoại của họ nếu vô tình chĩa về cùng hướng của cái loa chiếc radio họ đang nghe chương trình, lúc nhà đài vừa “nối sóng” cho thính giả ấy lên tiếng giao lưu là tiếng hú sẽ rít lên ngay. Kinh nghiệm trong trường hợp này là trước khi chuẩn bị chuyển cuộc gọi của một thính giả lên sóng, người thư ký đạo diễn hoặc đạo diễn ở phòng thu nhận điện thoại ban đầu phải dặn dò vị thính giả ấy trước: Hãy tắt radio hoặc xoay chiếc máy thu thanh của mình về hướng khác với hướng micro trên máy điện thoại. Nếu lỡ sự cố đã xảy ra trong chương trình thì MC cũng cần bình tĩnh để thông báo luôn trên sóng. Các thính giả khác sẽ có cơ hội rút kinh nghiệm. Khi một thính giả “on the line” với chương trình, thì đầu dây điện thoại của họ cũng nghe được nội dung chương trình (không cần phải mở đài nữa).

Trong truyền hình, hiện tượng tiếng hú cũng xảy ra trong nhiều tình huống tác nghiệp. Xin đưa một ví dụ, khi một phóng viên tường thuật trực tiếp từ hiện trường, họ thường dùng một chiếc tivi đặt trước mặt để kiểm tra (dân trong nghề gọi là monitor dù thiết bị monitor thì khác chiếc TV). Khi “đầu cầu” của phóng viên ấy được mời và “liếc” thấy hình ảnh của mình có trên monitor thì người phóng viên tác nghiệp tại hiện trường này mới lên tiếng. (Chuyện này cũng tương tự như các biên tập viên dẫn thời sự của VTV hay nhìn xuống các monitor được để chéo dưới bàn kiếng để theo dõi tín hiệu khi hết một bản tin được phát băng – VTR - để dẫn tiếp). Nhưng vì không phải là monitor chuyên dụng mà là máy thu hình nên có nó loa, có tiếng (và có khi cũng cần có tiếng để kiểm tra nếu không dùng headphone). Tất nhiên, thông thường, tại hiện trường trong truyền hình trực tiếp, chiếc tivi kiểm tra này thường đặt ngược hướng với micro của phóng viên tường thuật hay MC. Thế nhưng cũng đôi lúc, nhiều người vì muốn mô tả sống động không gian quanh mình đã vô tình xoay người, chỉ trỏ.... Và cũng giống như các ông bạn của tôi hát karaoke, tiếng hú xảy ra.

Biết “bản chất hú” có thể tránh được “vụ hú” đáng tiếc này.

Blog Page


Nhãn:

8 Nhận xét:

Anonymous Đăng Bình nói...

Đúng là nhà báo truyền hình, chuyên nhgiệp quá.

lúc 19:39 28 tháng 12, 2007  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Húuuuuuuuuuuuuuuu ú!

lúc 21:47 28 tháng 12, 2007  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Như vậy, níu như mình đang hát dở dở mà bà con cứ ồn ào mất tập trung là xử ngay cái chiêu "hồi tiếp dương" này cho thiên hạ giựt mình tập trung lắng nghe chơi, được chứ Bác...
:-)

lúc 21:52 28 tháng 12, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TT.Huỳnh: Sáng kiến dùng "hồi tiếp dương" khi karaoke sẽ được đăng ký bản quyền!

lúc 21:57 28 tháng 12, 2007  
Anonymous La witch nói...

À, thì ra Tarzan dzà bọn khỉ cũng dùng chiêu này. Dzậy mà tui cứ khen hơi tụi nó dzài...

lúc 23:25 29 tháng 12, 2007  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

A! Nhờ đọc bài này mà em có thêm kiến thức về cái sự hú!
:))
Nhưng mà đôi khi, em đang hát mà bị cái mi cờ rô hú vài lần, thì cái máy chấm điểm lại cho em điểm rất cao anh à!
Kỳ ghê!
Đúng là hên xui!

lúc 01:00 30 tháng 12, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Thêm một kinh nghiệm đi hát karaoke.
1. Để khỏi bị hú khi đang hát.
2. Hát dở quá thì cho nó hú, át tiếng hát cho đỡ quê.

lúc 02:22 30 tháng 12, 2007  
Anonymous Bé Hoàng_ Chồng bé Chuột nói...

Siêu phẩm " Đỉnh Gió Hú" mà gặp vụ" Phòng Ka Hú " cũng chỉ là....
Ca ca ! ăn chơi cũng ác hén!

lúc 02:32 30 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ