Thứ Hai, 7 tháng 5, 2007

VO NGUYEN GIAP street, WHY NOT?




Một con đường mang tên VÕ NGUYÊN GIÁP, tại sao không?

Hôm nay, 7/5/2007, ngày kỷ niệm 53 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dù không phải năm chẵn, lễ kỷ niệm không lớn, nhưng cũng như mọi năm, nhân vật được nhắc đến nhiều trong ngày này có lẽ là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sách báo ca ngợi về vị tướng sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 này quá nhiều. Và ông đã được xem như một huyền thoại quân sự thế giới.

Bìa tạp chí Time ngày 15/5/1972

Ông là một nhà quân sự vận dụng tài giỏi chiến thuật chiến tranh du kích. Ông cũng là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh trận Điện Biên Phủ năm 1954. Thắng lợi Điện Biên Phủ mang đậm dấu ấn của ông trong việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Nhờ thắng lợi này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông có 30 năm là Tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và đặc biệt, trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội Nhân dân.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông được cả thế giới biết đến như một trong những danh tướng của thế kỷ 20 - người đã đánh bại nhiều viên tướng quân đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương và lần lượt đọ sức với 7 danh tướng của quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam cho tới khi người Mỹ phải rút quân khỏi VN sau Hiệp định Paris (1973).

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên, Thời báo châu Á (Times Asia) đã phát hành số đặc biệt giới thiệu các "Anh hùng châu Á", tôn vinh các nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây. Những nhân vật được giới thiệu gồm Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Ở nhiều nước trên thế giới, những nhân vật có công trạng lớn được làm tượng ngay khi còn sống. Thậm chí một danh thủ bóng đá như Eric Cantona, khi đã có nhiều đóng góp cho Manchester United, đã được người Anh làm tượng sáp cho vào bảo tàng khi còn ở tuổi 20…

Tướng Giáp trong một lần về Đồng Nai

Ở Việt Nam có một nguyên tắc bất thành văn là việc đặt tên đường thường phải sử dụng tên những người đã mất. Liệu chúng ta có thể xóa bỏ cái nguyên tắc ấy trong trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biểu tượng của hòa bình?

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Có những thứ nghịch lý vẫn tồn tại mà chú. Ý thức xã hội bao giờ cũng chậm phát triển hơn tồn tại xã hội và muốn thay đổi nó không bao giờ là chuyện của 1 người. Có lẽ nên có một diễn đàn cho việc này. Nhưng chỉ sợ là tướng Gíap lại từ chối... đầu tiên, hì hì.

lúc 18:42 8 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Cám ơn Ấn nhiều. Chú đang chờ những ý kiến ủng hộ chú. Nhưng entry này post 2 ngày rồi chỉ có mình con comment. Ý tưởng của con khá hay. Chắc chú phải nhờ những người bạn làm báo chí ủng hộ?

lúc 22:37 8 tháng 5, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Theo tôi thi có lẽ vẫn phải đợi Cụ Giap ...đi () thì mới đặt tên đường được.
Ly do: Không phải chậm phát triển, không phải bảo thủ, mà là sự an toàn về chính trị. (Giả dụ: đặt tên xong mà Cụ lại tuyên bố thành lập Đảng mới chẳng hạn...thì chả lẽ lại xóa bỏ...)
Tên đường là sự ghi nhớ công lao người đã khuất, danh nhân, chiến tích lịch sử....
Ngày xưa ở Sài Gòn có cả đường Nguyễn Huệ lẫn đường Gia Long.
Một nhà thơ Cộng sản khi vào tiếp quản đã vội vã làm thơ phán rằng:
Qua đường Nguyễn Huệ, Đường Gia Long
Ai đặt tên đường có nhớ không?
Mạt kiếp Gia Long mang tội nước
Nghìn năm Nguyễn Huệ sử ghi công.
Sau đó là ...đổi tên đường....
Đường Alếch xan dơ rôt cũng vậy...
Do quan điểm lịch sử mỗi thời...
Và đặc biệt là vấn đề chính trị.
Cụ Giáp thì xứng đáng quá rồi. Nhưng Cụ ơi, hãy đợi đấy. Khi nào Cụ về Cõi, không khuyết điểm gì (với thể chế này) thì tên Cụ sẽ được ghi ở khắp nơi. (Chắc chắn tỉnh Điện Biên phải có 1 đường Võ Nguyên Giáp).
Là người dân, sợ nhất là đổi tên đường. Vì vấn đề hộ khẩu, đổi giấy tờ, chứng minh nhân dân, đăng ký xe...
Anh Tú nếu đặt tên thì nên dành Cụ con đường mới nhé. Đừng đổi tên đường cũ. Dân Hàng Bột (Hà Nội) giờ vẫn còn trách Cụ Tôn Đức Thắng...vì giấy tờ phức tạp mỗi lần ra công an chứng nhận...

lúc 04:39 10 tháng 5, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Ở Đồng Nai có giai thoại về những con đường mang số: Đường số 5 hiện nay là hoành tráng nhất. Con đường vừa khánh thành là quán nhậu mọc ra đầy (to nhất là quán Đồng Quê), làm trên một ao khá rộng, sang nhất là quán Phúc (tui chưa vô vì nghe nói chén súp 1 triệu), dọc đường thì tha hồ dê, chó, lươn... Con đường này nghe đồn được chọn cái tên NĂM vì bấy giờ nó trùng với tên của một anh Năm nào đó làm to. Cái này nghe đồn thôi nha. Anh Năm này vẫn còn sống. Nghĩa là nếu đúng như thế thì bài này phản ánh không chính xác: Việt Nam vẫn có người còn sống được đặt tên đường...
Chuyện thứ 2, chuyện tếu táo: Có nhà văn Nguyễn Một hiện công tác ở báo Tiền Phong nói: tên tôi giờ được đặt cho một con đường quốc lộ xuyên Việt, kể cả đoạn đẹp nhất ngang qua thành phố Biên Hòa: quốc lộ Một! Nhưng có người nghe xong cãi lại: Đoạn đường ngang qua Tỉnh ủy Đồng Nai được đặt là Quốc lộ 1 vì chủ tích UBND tỉnh Đồng Nai hiện nay là Võ Văn Một!

lúc 00:06 11 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

+ Thầy Oanh ơi, comment của thầy đọc thú vị quá. Nhưng đề xuất của thầy hơi khó đấy: Con đường mang tên cụ Giáp phải xứng tầm với Cụ nhưng để đảm bảo yêu cầu là ĐƯỜNG MỚI thì phải tiếp tục CHỜ cho dân chúng và các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học xây dựng xong, cây trồng 2 bên lớn lên xong... thì cũng khá lâu. Lúc ấy chắc cụ đã đi rồi.
+ Người Biên Hòa ơi, comment của bác làm tui giật mình đấy!

lúc 00:37 13 tháng 5, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Còn một chuyện này liên quan đến Cụ Giáp. Nhân tiện đã nói thì nói hết luôn. Nhưng mà nói riêng với nhau thôi kẻo Cụ biết, Cụ lại buồn....
Có mấy anh bên Truyền hình nhận lệnh làm phim về Cụ, để phòng khi Cụ đi gặp Các Mác - Lê Nin...thì đem ra chiếu.
Phim làm xong đã mấy năm rồi mà chưa được chiếu.
Chết nỗi, bên tài chính quy định: phim chưa phát sóng thì chưa thanh toán.
Thành thử mấy anh làm phim cứ nợ tạm ứng hoài...
Trộm vía, thành ra đôi lúc bị tài vụ trừ hết tiền lương nuôi con họ cũng có vẻ độc mồm độc miệng quá...
Tui nghe họ nói chuyện vừa thông cảm, vừa trách, lại vừa buồn nữa...
Hóa ra, không phải chỉ là chuyện đặt tên đường đâu nhé...

lúc 00:02 18 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ