Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2006

VOX-POP FOR RADIO




VOX-POP (1): VÀI KINH NGHIỆM SẢN XUẤT


 


Đôi điều về đặc trưng thể loại:


Vox-pop được xem như là một thể loại, hoặc một dạng thức chương trình phát thanh, có thể đứng độc lập hoặc nằm trong tổng thể một chương trình lớn. Nội dung và cấu trúc của vox-pop là sự kết nối những ý kiến của cộng đồng (đã được ghi âm trước đó) về cùng một vấn đề, một hiện tượng, một nhân vật, một sự kiện, một quyết định hành chính v.v… Với vox-pop, nhà báo phát thanh không trực tiếp đưa ra ý kiến của mình, và thông thường, không để xuất hiện giọng nói của mình trên sóng. Vox-pop là sự chọn lọc, sắp xếp các ý kiến để tạo thành một chỉnh thể có chủ đề, có cấu trúc nội dung và hình thức hợp lý. Một vox-pop thường có các ý kiến trái ngược nhau nhưng cũng có khi là những ý kiến đa dạng để bày tỏ thái độ hoặc sự đồng tình – không đồng tình... Vox-pop có thế mạnh của một thể loại báo chí nêu ra dư luận, định hướng dư luận, giúp thính giả định hướng hành vi. Đây cũng là dạng thức làm phát thanh rất hiệu quả vì nó tạo được tiết tấu nhanh, mang hơi thở đời sống và thay đổi không gian, cấu trúc âm thanh trong một tổng thể chương trình. Thể loại này khá phổ biến trong phát thanh hiện đại.


 


 


Để thực hiện một vox-pop, thông thường, phóng viên đặt ra vấn đề, lựa chọn câu hỏi cho vấn đề và đi ghi âm các ý kiến khác nhau của người dân (các tầng lớp, độ tuổi, vùng miền… ) về vấn đề đó. Ghi âm càng nhiều ý kiến, sự chọn lọc càng khách quan và càng hấp dẫn, hiệu quả. Các nhà chuyên môn khuyến cáo, với mỗi vox-pop, nên lấy khoảng 20 - 30 câu trả lời cho cùng 1 câu hỏi, rồi chọn lọc 4 – 7 ý kiến tiêu biểu, biên tập thành một tác phẩm ngắn gọn từ 1- 2 phút phát sóng. Hiện nay, việc biên tập âm thanh bằng các phần mềm trên máy tính giúp cho quá trình thực hiện một vox-pop dễ dàng hơn so với cách xử lý bằng băng từ như trước đây.


 


Vox-pop - vì thế - dễ thực hiện nhưng khó thực hiện hay.




Ảnh: Phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan


Ví dụ: Khi UBND TP Hồ Chí Minh sắp đề xuất chủ trương tất cả những người đi xe gắn máy trong nội thành đều phải đội mũ bảo hiểm, sẽ có nhiều phản ứng trái ngược nhau trong cộng đồng. Người phóng viên phát thanh có thể thực hiện một vox-pop để trình bày quan điểm của người dân. Phóng viên có thể đặt ra câu hỏi: “Anh (chị, cô, bác, ông, bà…) nghĩ thế nào về việc UBND thành phố sẽ bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trong nội thành?”. Câu hỏi này sẽ được đặt ra cho những người dân, công chức, doanh nhân, sinh viên ngẫu nhiên trên đường phố, trong đô thị (khoảng 20 ý kiến trở lên) và sau đó ta có thể chọn lọc để thực hiện một vox-pop. Ví dụ như sau:


Ý kiến 1: Vẽ chuyện! tôi đi chợ có một đọan ngắn mấy chục mét trước nhà mà cũng bắt phải đội cái của nợ ấy. Đi xa thôi, mà đi đường lớn thôi chứ đi gần gần đây mà đội chi?


Ý kiến 2: Cần chứ! Tui nghĩ là sẽ giảm tai nạn nguy hiểm. Có điều cũng hơi cồng kềnh. Giữ cũng khó à nghen! Như tui làm bảo zệ (vệ) còn đỡ. Chứ như thằng con tui đi học, tui nghi phải sắm hoài quá!


Ý kiến 3: Nhìn xuống phố mà cứ như một dòng người máy, người ngoài hành tinh, chắc là buồn cuời lắm. (cười) Bọn em mặc áo dài mà phải đội cái này chắc không giống ai!


Ý kiến 4: Tôi nghĩ chắc phải phát triển xe buýt. Đấy mới là giải pháp căn cơ. Tui đi làm ăn ở nước ngoài thấy chẳng có đâu mà lại để xe cộ chen chúc thế này. Giờ cứ khoảng trăm rưỡi – hai trăm một cái mũ, thay vì mua mũ, tiền ấy đóng góp cùng nhà nuớc phát triển hệ thống xe buýt thật tiện lợi – an toàn…


 


Vox-pop có thể thực hiện độc lập như một tác phẩm xen giữa bản tin thời sự ([2]), hoặc cũng có thể sử dụng như một mục, một đoạn chuyển mạch, một hình thức dẫn dắt vấn đề của một buổi tọa đàm với các chuyên gia, các quan chức liên quan đến vấn đề đó… ([3])


 



Chẳng hạn để bắt đầu cho một chương trình phát thanh giảng dạy về công việc kinh doanh, chúng ta có thể thực hiện một vox-pop “Bạn nghĩ như thế nào về việc kinh doanh” như sau nhằm đưa đẩy nội dung vấn đề.


Ý kiến 1: Tôi nghĩ đấy là công việc thú vị. Tôi không được khỏe lắm nên tôi nghĩ việc đó phù hợp với tôi. Nếu tôi có tiền tôi cũng sẽ mở một cửa hàng văn phòng phẩm.


Ý kiến 2: Theo em thì kinh doanh là mua một hàng về và bán lại để kiếm lời. Em không thích kinh doanh lắm vì em không dám liều, không có khả năng quản lý. Nhưng nếu có một hai người hùn hạp có thể em cũng thử. Đây là họat động cần đến sự năng động, sáng tao liên tục.


Ý kiến 3: Tui nghĩ kinh doanh là công việc cần sự dũng cảm và cần có nhiều ý tưởng. Quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh là chất lượng sản phẩm. Tui biết có nhiều người chẳng có đồng vốn nào mà cũng kinh doanh được và cũng thành công nữa.


 



Trong các chương trình phát thanh hiện đại vox-pop rất cần vì nó tạo nên sự sinh động, hấp dẫn. Vox-pop phù hợp cho hầu hết các dạng chương trình (như chuyên đề, bình luận, văn nghệ, khoa giáo, thiếu nhi). Trong một buổi giao lưu với một ca sĩ, một diễn viên, có một đoạn băng ý kiến thể hiện tình cảm hoặc thái độ của nhiều đối tượng công chúng về ca sĩ, diễn viên ấy sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ (cả cho khách mời lẫn cho thính giả). Trong một buổi bình luận bóng đá trước giờ bóng lăn, một vox-pop dự đoán tỷ số trận đấu cũng tạo được “màu sắc” cho chương trình. Vox-pop cần cho các chương trình phát thanh hiện đại vì nó tương đối khách quan, tạo sự tin tưởng cao trong thính giả và nó có ngữ điệu, tiết tấu của đời sống. Khách quan bởi đây là một tác phẩm phát thanh được tạo ra từ những ý kiến của người dân, không thấy bóng dáng “ông nhà báo” trong tác phẩm.


Nhưng, thể loại này có thực sự khách quan không? Câu trả lời là không. Tuy về hình thức vox-pop tạo cảm giác hết sức khách quan, khách quan hơn nhiều thể loại khác, nhưng cũng giống như hầu hết các thể loại báo chí nói chung, vox-pop không hoàn toàn khách quan. Bởi nó được thực hiện qua lăng kính chủ quan của một nhà báo cụ thể, bằng bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ của một nhà báo cụ thể. Tất cả được thể hiện trong cách bố trí sắp xếp thứ tự trước sau, nhiều ít, dài ngắn, chọn lựa nội dung trong toàn bộ các đoạn băng thu được cũng như việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn. Kết cấu vox-pop thể hiện rõ nét ý đồ, quan điểm của người thực hiện vox-pop. Ví dụ trong vox-pop về việc đội mũ bảo hiểm trong nội ô nêu trên, nếu nhà báo ủng hộ chủ trương hoặc không ủng hộ chủ trương thì sự sắp xếp số lượng các ý kiến trái ngược nhau sẽ khác nhau.


 



 


Một số yêu cầu tác nghiệp:


+ Độ dài nào là hợp lý?


Từ 1 phút 30 đến 2 phút là độ dài lý tưởng cho một vox-pop. Số lượng ý kiến: khoảng 4 – 7 là hợp lý. Nhiều ý kiến quá hoặc ý kiến dài quá làm người nghe không nhớ được các phát biểu, làm cho vox-pop loãng, không tập trung chủ đề. Ít ý kiến quá thì mất tính khách quan, độ tin cậy thấp.


Ví dụ: Bạn nghĩ thế nào về hiện tượng thanh niên sinh hoạt tình dục trước hôn nhân?


Ý kiến 1: Tôi nghĩ thật khó chấp nhận. Rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đến số phận của các bạn ấy, nhất là nữ. Nhưng tôi nghĩ số thanh niên ấy không nhiều.


Ý kiến 2: Cũng có thể chấp nhận được nếu có tình yêu và nếu không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn chẳng hạn!


Ý kiến 3: Tôi lo ngại vô cùng vì theo một thông tin mà tôi đọc được  trên báo gần đây, có tới 30% học sinh trung học đã từng quan hệ tình dục. Tôi không hiểu còn trẻ như vậy thì các cháu sẽ tìm thấy gì sau những chuyện ấy. Nhưng tôi biết thống kế ấy có lẽ sát với thực tế. Tôi cũng có một con gái ở tuổi vị thành niên và tôi cũng lúng túng vô cùng trong việc quản lý, kiểm soát cháu.


Ý kiến 4: Em nghĩ mọi chuyện cũng tự nhiên thôi. Chúng em lớn lên và cũng có nhu cầu tìm hiểu thế giới quanh mình, cuộc sống quanh mình. Chúng em cũng sẽ tự biết bảo vệ mình chứ. Nhiều khi người lớn cứ hay quan trọng hóa vấn đề. Em thấy các bạn ấy yêu nhau thật đấy chứ. Còn chuyện kia chắc là không đâu.


Ý kiến 5: Tôi nghĩ đây là vấn đề xã hội lớn. Là bác sỹ sản khoa tôi từng đối mặt với nhiều câu chuỵên hết sức đau lòng. Con số thống kê có thể không chính xác, nhưng tôi nghĩ là nghiêm trọng, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động nhập cư.


Trong ví dụ trên, chúng ta thấy việc chọn lựa các ý kiến (nếu nghe qua sóng phát thanh) sẽ thể hiện được “nhân thân” của những người phát biểu: có phụ huynh, có bác sĩ, có sinh viên, có người lớn, có giọng nữ, giọng nam, có nêu thực trạng, có nêu đề xuất hướng giải quyết, có thể hiện thái độ lo ngại, có ý kiến “ngược” v.v… Tất cả được “tích hợp” trong một đoạn băng ngắn – rất ngắn – tạo sức thuyết phục cao cho người nghe.


 


+ Kết cấu của một vox – pop ra sao?


- Về nội dung: các ý kiến chỉ đưa ra quan điểm, không phân tích dài, nên chọn các ý kiến đi trực tiếp vào câu hỏi. Thường chọn không quá 3 hướng, 3 quan điểm khác nhau (tiêu biểu nhất của dư luận). Quá nhiều sẽ dễ bị loãng.


- Kết cấu nội dung của vox-pop là sự sắp xếp tinh tế của tác giả. Làm sao tạo ra được cao trào thì vox-pop mới thực sự hấp dẫn. Cao trào của vox-pop nó cũng giống như cao trào của một vở kịch. Đó là khi các ý kiến trái ngược nhau, các thái độ, tình cảm, quan điểm… trái ngược nhau được đẩy tới mức cao và sau đó, được giải quyết hoặc để tạo ra một sức gợi, một sự liên tưởng v.v… Vox-pop – trong một số trường hợp – có thể chấp nhận những ý kiến “gây sốc”, thật ngắn, nhưng chỉ là “thiểu số” trong dư luận chung để tạo hiệu quả chú ý.


- Về kết cấu hình thức: Một vox-pop hay cần có sự đa dạng các giọng nói: nam nữ, trẻ già, các tầng lớp trong xã hội, các vùng miền… (Tất nhiên, việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn phụ thuộc vào vấn đề, chủ đề, nội dung vox-pop sẽ đề cập trong mục kế tiếp) nhưng về hình thức vox-pop cần có sự đa dạng về màu sắc âm thanh. Có nhiều giọng nói đan xen, có nhiều tốc độ nói khác nhau và sự nối kết phải tạo ra tiết tấu nhanh, có cao trào, thể hiện rõ cảm xúc… cho tác phẩm. Bên cạnh đó, bức tranh âm thanh ngắn gọn từ vox-pop cho phép thính giả hình dung “nhân thân” của các đối tượng phát biểu trong “đoạn băng”! Trí thức sẽ phát biểu khác với nông dân (cách dùng từ, diễn đạt, tốc độ nói v.v…)


 



 


+ Chọn đối tượng để thực hiện vox-pop như thế nào?


Chọn đối tượng để lấy ý kiến thực hiện vox-pop là vấn đề thuộc về kỹ năng tác nghiệp của phóng viên. Một vox-pop phục vụ cho thời sự đòi hỏi thực hiện nhanh thì khó có thể chọn được nhiều và toàn diện về đối tượng. Nhưng có một yêu cầu cần đặt ra, đó là đối tượng được chọn phụ thuộc vào nội dung, chủ đề của vox-pop. Ví dụ vấn đề đội mũ bảo hiểm liên quan đến hầu hết những người tham gia giao thông thì vox-pop phải chọn lọc tỷ lệ đối tượng người được phỏng vấn phải gần với cơ cấu dân cư trong vùng mà cụ thể là các tầng lớp như cán bộ - công chức, công nhân, doanh nhân, người lao động bình thường v.v… phù hợp với cơ cấu dân số về tháp tuổi như tỷ lệ nam – nữ, các vùng trong địa bàn v.v… Nhưng một vox-pop lấy ý kiến các nữ sinh ở Đồng Tháp về việc có nên mặc áo dài đi học suốt cả tuần lễ thì đối tượng được chọn phải là các nữ sinh của các cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông), của các vùng như thị xã, huyện nông thôn v.v…


Ví dụ: Vox-pop “Làm giàu khó hay dễ?”


Ý kiến 1: Theo tôi thì thật sự làm giàu nghiêm túc là khó đó! (Tiểu thương - nữ - giọng Nam bộ)


Ý kiến 2: Làm giàu thì có thể là khó đối với người này và dễ đối với người khác (Trí thức – nam, lớn tuổi – giọng Bắc)


Ý kiến 3: Khó chứ sao hổng khó. Dễ thì ai cũng giàu rồi còn gì? (Nông dân - nam – giọng miền Trung)


Ý kiến 4: Chúng tôi không quan tâm tới chuyện này (có vẻ là giáo viên – nữ - giọng Bắc)


Ý kiến 5: Làm giàu à? Bây giờ cũng khó lắm đấy! (có vẻ là công chức hoặc cán bộ - nam – giọng miền Bắc)


Ý kiến 6: Sinh viên tụi em thì nghĩ làm giàu vừa khó vừa dễ! (Sinh viên – nữ - giọng Nam bộ)


 


+ Khi nào chúng ta cần sử dụng vox-pop?


Vox-pop là thể loại sử dụng rất đắt trong rất nhiều tình huống tuyên truyền trên phát thanh. Nhưng thông thường, vox-pop dùng để bày tỏ thái độ, chính kiến nhiều nhất. Khi có một vấn đề thời sự diễn ra với nhiều luồng dư luận trái ngược (Ví dụ: Việc tăng viện phí, vụ cá độ bóng đá bị phát hiện…) thì vox-pop sẽ góp phần tạo sức hấp dẫn cho thông tin thời sự nhờ chuyển tải được bức tranh dư luận. Và hơn thế nữa, bấy giờ, vox-pop, cần cho việc định hướng dư luận (Ví dụ: thái độ đối với nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1, với việc nuôi gia cầm v.v…).


Vox-pop cũng rất hiệu quả khi được dùng để đặt vấn đề cho một chương trình mang tính chính luận (Ví dụ:khi tọa đàm về  vấn đề tranh chấp đất đai, cải cách hành chính, an toàn giao thông, nhà trọ cho công nhân v.v…)


Vox-pop cũng thật sự “lợi hại” khi sử dụng để kết thúc vấn đề còn đang tranh cãi (Ví dụ: vấn đề đình công, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân trước thềm Đại hội X của Đảng v.v… )


Ngoài ra, vox-pop cũng được ứng dụng trong sản xuất chương trình khá phong phú. Chẳng hạn, khi cần chứng minh cho một kết luận, một luận điểm hoặc khi cần tăng tính chất hấp dẫn cho các chương trình chỉ thuần túy thực hiện ở phòng thu. Ví dụ trong cuộc trò chuyện với những nhà văn viết cho thiếu nhi trong phòng thu (tọa đàm), một vox-pop với ý kiến của các cháu về việc đọc sách thiếu nhi sẽ có ý nghĩa minh họa thú vị, hấp dẫn. Vox-pop đó có thể không thể hiện được dư luận, thái độ nhưng nó tạo ra sức gợi của thông tin về vấn đề đang bàn. Trong nhiều trường hợp sản xuất chương trình, những phóng viên bản lĩnh còn sử dụng vox-pop để thay cho những câu hỏi, lời yêu cầu theo hình thức cũ. Sau khi nghe một vox-pop, phóng viên phòng thu có thể hỏi vị khách mời: Ông (bà) nghĩ gì về những ý kiến vừa rồi? Hoặc cuộc trò chuyện với ca sĩ Mỹ Linh trong phòng thu chẳng hạn có thể được xen với một vox-pop có nội dung “nếu được yêu cầu ca sĩ Mỹ Linh hát, bạn sẽ yêu cầu bài hát gì?”, đó cũng là “lời đề nghị độc đáo” trong chương trình.


 


 


+ Một số kỹ năng vox-pop cần thiết:


- Cần có sự quyết đoán, thể hiện bản lĩnh trong sự chọn lựa, thể hiện rõ quan điểm lập trường về vấn đề mình thực hiện.


- Tạo không khí thoải mái khi thực hiện ghi âm ý kiến dư luận.


- Bật máy ghi âm trước khi tiếp cận mục tiêu. Cố gắng thu ý kiến càng tự nhiên càng tốt (Tránh thu đi thu lại bởi những lần thu sau sẽ không có được sắc thái cảm xúc tự nhiên)


- Không hỏi quá 2 câu hỏi cho một vox-pop


- Nếu có ý đồ làm một vox-pop phỏng vấn trong không gian rộng, có thể nhờ các đồng nghiệp khác (đang tác nghiệp ở những nơi khác) thực hiện dùm để có càng nhiều ý kiến.


- Cố gắng cân bằng tỉ lệ giữa nam và nữ, giữa các đối tượng khi biên tập âm thanh vox-pop


- Dũng cảm cắt bỏ những đoạn băng không cần thiết để tác phẩm vox-pop càng cô đọng càng tốt.


- Tuyệt đối không được nhờ người quen “nói hộ” những ý tưởng phóng viên “mớm cung”



- Trong quá trình biên tập âm thanh, cần phải biết xử lý tốt các mối nối âm thanh giữa các nguồn tín hiệu do quá trình ghi âm ý kiến được diễn ra ở nhiều không gian khác nhau (nền âm thanh khác nhau). “Mối nối” âm thanh giữa hai ý kiến cần có nền vào, nền ra (fade out và fade in) thật ngắn (chừng 1 giây) để tránh cảm giác đột ngột khi thay đổi âm thanh nền cho thính giả.


 


PHAN VĂN TÚ







([1] ) http://www.allwords.com định nghĩa vox pop (noun):1. Popular opinion derived from comments given informally by members of the public. 2. An interview in which such opinions are expressed. (Etymology: 1960s: shortened from vox populi). Có người dịch vox-pop là “lấy ý kiến quần chúng”. Cũng có một số tài liệu gọi là “phỏng vấn dư luận” hoặc “phỏng vấn đường phố”.


Thiết nghĩ: về hình thức, vox-pop có vẻ giống phỏng vấn nhưng về bản chất, nó giống phóng sự hơn. Phỏng vấn, có hỏi đáp. Vox-pop thì hầu như chỉ có thuần tuý ý kiến trả lời (của các tầng lớp nhân dân), với nhiều cung bậc, hình thức, trình độ để trình bày một thái độ, một suy nghĩ… Trong khi chưa có tìm một cách gọi hợp lý hơn cho thể loại này, chúng tôi tạm giữ nguyên thuật ngữ vox-pop (vốn được viết tắt của cụm từ voice of people : tiếng nói người dân)


([2]) Một vox-pop dùng như một tác phẩm độc lập thường có lời dẫn của phát thanh viên. Ví dụ trong trường hợp trên, phát thanh viên có thể đọc lời dẫn cho vox-pop trong phòng thu như sau: Thưa quý vị và các bạn! Trước ý kiến đề xuất về việc bắt buộc người tham gia giao thông trong nội thành phải đội mũ bảo hiểm, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu quan điểm của một số người dân. Và đây là những ý kiến tiêu biểu…  


([3])  Ví dụ trong trường hợp trên, vox-pop về việc đội mũ bảo hiểm trong nội ô có thể sử dụng trong một cuộc tọa đàm về vấn đề đó. Lúc ấy, vox-pop sẽ được phát cho các khách mời cùng nghe và là cái cớ để người dẫn chương trình có thể đặt câu hỏi: “Các vị nghĩ gì về những ý kiến của người dân trong đoạn băng vừa rồi?”…


 


 

2 Nhận xét:

Anonymous Boong Boong nói...

Híc, dài quá! Đọc xong muốn lòi mắt rùi! ^_^

lúc 00:27 13 tháng 10, 2006  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Đây là bài "nghiêng" "kíu" nên nó dài bác ạ! Cái món này ở VN chưa đưa vào giáo trình báo chí. Người ta làm bằng chủ nghĩa kinh nghiệm (thông qua việc học báo chí Tây). Bài này chỉ có ý nghĩa như 1 cẩm nang hướng dẫn nên nó dài...

lúc 23:26 13 tháng 10, 2006  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ