Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

“CHẤT XÁM” NGHỀ BÁO TRONG THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG




Trong những năm gần đây, số lượng công ty truyền thông ra đời như nấm mọc sau mưa. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 2000 doanh nghiệp truyền thông làm nhiều chức năng từ PR, event, pano, bảng hiệu, thiết kế web… đến thực hiện các loại hình báo chí. Có doanh nghiệp chuyên sản xuất các trò chơi truyền hình; Có doanh nghiệp thực hiện hẳn một tờ báo (dưới danh nghĩa một cơ quan, đơn vị, hội đoàn); Có doanh nghiệp làm chương trình truyền hình trên sóng Đài quốc gia và ra một tờ báo cùng tên với chương trình đó...

Một thực thể chưa được đặt tên

Việt Nam không có báo chí tư nhân, song, những hình thức xã hội hóa các hoạt động báo chí lâu nay, đặc biệt là xã hội hóa truyền hình, đã cho phép nhiều doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia các hoạt động báo chí dưới nhiều hình thức, mức độ.

Giờ đây, Việt Nam đã quen dần với các khái niệm thị trường lao động, thị trường tiền tệ; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng đã nghe đến khái niệm hàng hóa thông tin trong nền kinh tế tri thức. Và khi thương hiệu là một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế hiện nay thì truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đang dần đi vào quỹ đạo của một ngành kinh tế đặc biệt.

Vì sao? Thông tin là sản phẩm chủ yếu của truyền thông, báo chí. Loại hàng hóa đặc biệt này vẫn mang trong mình đầy đủ thuộc tính của hàng hóa. Nó được sản xuất bằng những quy trình nhất định, do những con người nhất định và có thể trao đổi, mua bán. Hàng hóa thông tin (thông tin chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá giải trí…) là nhu cầu không thể thiếu của mọi người trong đời sống hiện đại và việc sẵn sàng trả tiền để đáp ứng nhu cầu này là chuyện bình thường như bác xích lô Sài Gòn bỏ tiền ra mua một tờ báo để xem tin tức trong giờ giải lao.

Ở các nước phát triển, công nghiệp truyền thông là ngành kinh tế quan trọng và có doanh thu cực lớn. Tùy thuộc vào thể chế chính trị, việc kiểm soát nền kinh tế truyền thông có thể do nhà nước hay tư nhân, hoặc pha trộn giữa chính phủ và tư nhân. Và, về mặt lý luận, dù chưa định danh, nhưng cũng không ai phủ nhận rằng đã và đang có một nền kinh tế báo chí đang manh nha vận hành ở nước ta.

Hệ thống báo chí Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tất cả các cơ quan truyền thông đều là cơ quan nhà nước. Nhưng từ 20 năm trước, hình thức liên kết giữa các nhà xuất bản với “đầu nậu” để làm sách, hình thức “bán giấy phép” của nhiều tờ báo địa phương, tờ báo ngành… cho các nhóm tư nhân, doanh nghiệp tư nhân đã diễn ra. Đại đa số cơ quan báo chí được bao cấp hoàn toàn hoặc một phần, nhưng từ lâu nhiều cơ quan báo, đài đã làm các dịch vụ kinh doanh để có nguồn thu. Phim truyện truyền hình, live show truyền hình, trò chơi truyền hình và cả các chương trình nặng tính tuyên truyền như dạng chương trình tin tức, chuyên đề, khoa học – giáo dục, phim tài liệu… đều đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp làm truyền thông.

Cũng trên lý thuyết, hiện chúng ta không có một tờ báo trực thuộc một doanh nghiệp (dù đó là doanh nghiệp nhà nước) nhưng trong thực tế, hiện tượng các tập đoàn, các công ty có trong tay những công cụ truyền thông (web tin tức, kênh truyền hình, tờ tin, tờ báo… ) là chuyện không khó chứng minh.

Dù chưa được nhìn nhận chính thức, nhưng trong thực tiễn, kinh tế báo chí đã tồn tại và đã có sự cạnh tranh trong quá trình phát triển đó. Khi vệ tinh Vinasat 1 chưa kịp phóng lên quỹ đạo thì đã có hàng loạt đơn vị truyền thông trực thuộc các tập đoàn “đại gia” đang lặng lẽ ra đời. Các đơn vị này đang xây dựng website thông tin, kênh truyền hình và các sản phẩm tích hợp truyền thông để đón đầu một xu thế. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - Tài chính - Truyền thông là 3 chân trong thế chân vạc của những tập đoàn lớn. Có vẻ như nền kinh tế báo chí Việt Nam đã khởi động nhanh hơn nhờ những bước đi năng động này.

Và chuyện “chất xám” nghề báo

Trong thời gian qua, làng báo xôn xao chuyện nơi này, nơi kia mời gọi các nhà báo giỏi, các chuyên viên kỹ thuật phát thanh – truyền hình, kỹ thuật báo mạng giỏi với mức lương hấp dẫn. Tin tức về các gương mặt báo chí tiếng tăm bỏ cơ quan cũ về đầu quân cho các đơn vị truyền thông tư nhân trở thành đề tài cà phê với nhiều nhà báo, cứ như đang có những chiến dịch “săn đầu người” trong làng báo. Mức lương 3000 USD cho giám đốc kênh truyền hình; mức lương 20 triệu đồng cho Thư ký tòa soạn… quả là hấp dẫn với nhiều nhà báo hưởng lương công chức lâu nay.

Thị trường truyền thông – báo chí mới hiện tại đang cần nguồn nhân lực rất lớn. Đã có những cuộc “chia tay” làm đau đầu nhiều nhà quản lý báo chí. Cuộc cạnh tranh nhân lực có lúc, có nơi diễn ra không sòng phẳng giống như bóng đá Việt Nam những năm đầu chuyên nghiệp hóa.

Hằng năm, nước ta có nhiều cơ sở đào tạo báo chí ở cấp đại học, cao đẳng, cho ra trường hàng trăm sinh viên. Nhưng trong số này, có một tỷ lệ rất thấp trụ vững trong nghề báo. Làm báo (báo in, báo nói, báo hình, báo mạng) giỏi lại càng ít hơn. Vì sao? Đại đa số sinh viên trong nhà trường được đào tạo kỹ năng không nhiều và cũng khó có thể phù hợp với yêu cầu của các cơ quan báo chí cụ thể, đó là chưa nói đến sự phát triển quá nhanh của công nghệ làm báo hiện nay mà các trường không cập nhật kịp. Và điều quan trọng số 1: làm báo là nghề cần có những phẩm chất đặc biệt.

Thực tế thống kê cho thấy, số nhà báo được cấp thẻ ở Việt Nam hiện nay có một tỷ lệ khá lớn (hơn 40%) chưa qua các trường đạo tạo báo chí (mà học từ các ngành khác) và điều thú vị là đa số những nhà báo giỏi lại rơi vào “khu vực” này.

Nghề báo cần có năng khiếu, cần có những phẩm chất tư duy đặc biệt, có khả năng sáng tạo, có năng lực tự học, tự rèn luyện liên tục cả về kiến thức xã hội cũng như kỹ năng làm việc. Quá trình làm báo với niềm say mê, với cái tâm trong sáng, với nghị lực rèn luyện, với những thử thách, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp… một nhà báo giỏi mới thành nhà báo có uy tín. Nhà báo có uy tín, có tên tuổi tạo nên thương hiệu cho tờ báo, cơ quan báo chí. Trong thị trường báo chí hiện nay, những nhà báo có uy tín luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp truyền thông, các cơ quan báo chí khác.

Câu chuyện “chảy máu chất xám” trong làng báo hiện nay đang đặt ra cho các cơ quan chủ quản, những người lãnh đạo các cơ quan báo chí những trăn trở. Thực tế có nhiều nhà báo giỏi, rèn luyện nhiều năm trong những môi trường làm báo khắc nghiệt về điều kiện lẫn thu nhập, song họ vẫn “chung thủy” với tờ báo của mình. Nhưng, cũng có không ít những nhà báo giỏi không được trọng dụng, hoặc khi họ đang sung mãn nghiệp vụ thì bị điều làm các công tác không phù hợp. Việc bổ nhiệm Tổng biên tập ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay còn chưa hợp lý, do ý chí chủ quan của cấp ủy lãnh đạo nên dẫn đến nhiều bất cập trong bố trí, sắp xếp, giữ chân người tài ở những cơ quan báo chí v.v... Đó là chưa kể đến chuyện thu nhập.

Tất nhiên, cho đến nay, chưa thể nói rằng thị trường báo chí đang “can thiệp” vào chuyện nhân lực của các cơ quan báo chí khi đại đa số nhà báo Việt Nam còn là cán bộ, công chức nhà nước. Nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Lối tư duy một thời bao cấp ít nhiều còn ảnh hưởng trong cách tổ chức cơ quan báo chí hiện nay ở nhiều đơn vị. Sự cạnh tranh nhân lực trong làng truyền thông – báo chí dù mới khởi động nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề từ hôm nay.

---------------

Ảnh: Làm phim “Nụ hôn thần chết”

Blog Page

Nhãn:

14 Nhận xét:

Anonymous Chaien nói...

Bài thì về báo mà hình thì lại về phim, hai loại media hoàn toàn khác nhau :) cả về giá trị 'thông tin' lẫn phương tiện tuyên truyền.
BTW, chất xám trong truyền thông không nên chỉ đơn giản hiểu là nhà báo, nó còn là hệ thống sản xuất - know how nữa. Nếu tui mà được phép làm một tờ báo ở Vn, chắc chắn sẽ chỉ tuyển SV năm thứ 3 hoặc vừa mới ra trường, giá rẻ, nhưng nhờ tổ chức tốt mà sẽ tạo ra được những tờ báo giá trị không kém TN hay TT. Sự khác biệt giữa dây chuyền sản xuất của Ford và mô hình sx cổ điển của Ferrari hay Roll Roys là ở chỗ đó.

lúc 18:13 27 tháng 4, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Bài báo blog này hay quá. Hình như nó cũng được đăng ở đâu đó phải không anh.

lúc 18:24 27 tháng 4, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

tem phát rồi tính sau!

lúc 20:22 27 tháng 4, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

thế tờ Đất Việt - Diễn đàn của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang ráo riết 'săn' các nhà báo có brand name thì có tính là đang hút chất xám không anh?
em nhớ có anh gì làm lớn lắm nói 'vài năm nữa dòng chất xám chảy ngược lại doanh nghiệp nhà nước' mà tức cười!

lúc 20:30 27 tháng 4, 2008  
Anonymous Mai Ngố nói...

Chẹp! Cám cảnh quá!

lúc 21:51 27 tháng 4, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Bài này hay thật, phải sợch phát xem có Ctl + C ở đâu kg.Bác này đang tính làm Tổng BT một tờ báo tư nhân hay sao ý.

lúc 04:05 28 tháng 4, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

"Việc bổ nhiệm Tổng biên tập ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay còn chưa hợp lý, do ý chí chủ quan của cấp ủy lãnh đạo nên dẫn đến nhiều bất cập trong bố trí, sắp xếp, giữ chân người tài ở những cơ quan báo chí v.v... "
Cái đoạn này hơi bất ổn!
Có khi chưa tời mức TBT mà người tài đã chạy re rồi...
Mà TBT có khi cũng vô phương can thiệp. Xét đến cùng, muốn giữ được người tài thì phải phục nhân tâm. Hổng phục thì người giỏi ra đi là hẳn...

lúc 19:26 28 tháng 4, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

"Việc bổ nhiệm Tổng biên tập ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay còn chưa hợp lý, do ý chí chủ quan của cấp ủy lãnh đạo nên dẫn đến nhiều bất cập trong bố trí, sắp xếp, giữ chân người tài ở những cơ quan báo chí v.v... "
Cái đoạn này hơi bất ổn!
Có khi chưa tời mức TBT mà người tài đã chạy re rồi...
Mà TBT có khi cũng vô phương can thiệp. Xét đến cùng, muốn giữ được người tài thì phải phục nhân tâm. Hổng phục thì người giỏi ra đi là hẳn...

lúc 19:26 28 tháng 4, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ấn: Chả hiểu cái "bất ổn" mà Ấn nói là gì! Cả phần sau của cái còm cũng thật khó hiểu!

lúc 19:57 28 tháng 4, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Dạ, nghĩa là sự bất hợp lý trong bổ nhiệm có khi chưa cần đến cấp độ TBT cũng đã đầy bất ổn rồi. Hiện tượng "ngồi nhầm ghế" thì cỡ Phó TBT, trưởng và phó ban, thư ký tòa soạn chẳng hạn... CÓ MÀ ĐẦY!
Mà họ "ngồi nhầm" nhiều quá thì người tài tự động (và tự trọng) sẽ bất mãn và bỏ đi thôi!

lúc 20:35 28 tháng 4, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Chaien:
+ Điện ảnh, tờ rơi, áp phích, thậm chí "khoan cắt bê tông", "yếu sinh lý"... cũng là truyền thông đại chúng hết. Mỗi loại hình đều có đặc trưng riêng, cái này ai cũng biết. Giống nhau thì nó tồn tại làm gì. Nhưng nhìn trong hệ thống, nó cũng có điểm giống nhau.
Ở Việt Nam lâu nay, báo chí được hiểu là các loại hình truyền thông đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến. Thẻ Nhà báo cấp cho các cơ quan báo chí (thuộc các loại hình đều một mẫu). Hội Nhà báo quản lý hội viên là những người hoạt động ở các loại hình báo chí. Vì thế khái niệm báo chí ở VN hiện nay có nghĩa rộng hơn "báo in". Và nhà báo được hiểu theo nghĩa rộng (trong đó có nhà quản lý như TBT, nhà nghiên cứu báo chí, người giảng dạy báo chí... chứ không chỉ là những phóng viên, biên tập viên trực tiếp tác nghiệp.
+ Có quy trình sản xuất tốt, có phương tiện sản xuất tốt cũng cần người vận hành tốt. Và điểm quan trọng trong làm báo: luôn luôn sáng tạo. Các hệ thống sản xuất luôn lạc hậu, công nghệ luôn có nhiều phát minh mới. Máy móc quyết định sự chọn lựa quy trình, hệ thống hay con người? "Chất xám" không thuộc về con người (mà cụ thể ở đây là nhà báo) thì thuộc về cái gì?

lúc 00:18 29 tháng 4, 2008  
Anonymous Chaien nói...

Hê hê, chất xám không đơn giản là con người đâu anh, một phần của nó là trí tuệ của một cá nhân (knowledge), và phần còn lại là văn hóa tổ chức (know-how) - truyền từ xã hội này/thế hệ này sang xã hội/ thế hệ khác. Nếu chất xám chỉ đơn giản là trí tuệ của con người thì trí tuệ của 2 người sẽ là của 2 người cộng lại, nhưng ở đây anh sẽ bất ngờ khi thấy cũng 2 người nhưng là văn hóa tổ chức khác có khi sẽ là 200 lần 2 người cộng lại - đó là bí quyết của Ford đó. Nếu anh chịu khó đọc mấy bài giảng nhập môn của MBA sẽ thấy khi người ta tái cơ cấu lại một xưởng sản xuất ở Anh - làm theo dây chuyền, thì bất ngờ năng suất của mỗi công nhân tăng 2000 lần - đúng là 'hai ngàn lần'. Chất xám thuộc về con người và văn hóa. Nếu văn hóa thấp thì phần nhiều của chất xám là con người, còn nếu văn hóa cao, thì phần đóng góp của con nguời trong chất xám không là bao nhiêu. Một ví dụ đơn giản trong LS VN, hãy nhìn bộ máy Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa mà so sánh thì anh sẽ thấy ngay chất xám của ai đã thắng trong khi phần chất xám tính trên đơn vị người của bên nào nhiều hơn. Tương tự như vậy, bộ máy tưởng chừng èo uột (đúng chính tả không nhể) của các cơ quan nhà nước coi vậy chứ vẫn mạnh hơn nhiều hệ thống 'chất xám' khác hiện đang hiện diện ở Vn, cũng là vì lý do này.
Theo cách tính của hội nhà báo Anh - còn có nghĩa là nghiệp đoàn nhà báo NUJ - thì những người không liên quan trực tiếp tới nghề báo, từ lãnh đạo cho tới kỹ thuật viên, đều không được chính thức coi là nhà báo.

lúc 01:58 29 tháng 4, 2008  
Anonymous may_ngoc_ngech nói...

nhieu thu qua , nhung bat ngo nhat la anh minh hoa : Doan lam phim Nu hon than chet ???

lúc 05:34 6 tháng 5, 2008  
Anonymous XemBlog nói...

Chào bạn.
Chúng tôi đã lựa chọn & xin phép bạn đc đưa lên http://XemBlog.com - Website tổng hợp, tìm kiếm các bài viết hay từ blog Việt!
( XemBlog.com - xem & sống cùng blog Việt! )

lúc 22:09 8 tháng 6, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ