Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

SAO KHÔNG CHO HỌ “THANH MINH” TRƯỚC KHI KẾT ÁN?




(Thư gửi một người bạn trong friends list)

Tôi không muốn viết thêm những entry “ăn theo” đề tài bà Quảng Thị Kim Hoa mặc dù có rất nhiều vấn đề cần bàn liên quan đến nghiệp vụ báo chí (chẳng hạn vai trò của hình ảnh trong truyền hình, xử lý kết cấu phóng sự, cách thu trực diện các phát biểu trong một phóng sự “nhạy cảm” v.v...) nhưng vì message của bạn và câu chuyện bức xúc của nhóm phóng viên cũng như lãnh đạo phòng thời sự Đài phát thanh – truyền hình Đồng Nai nên phải viết entry này trong lúc khá bận rộn cuối năm.

...

Chuyện bắt đầu khi Đài Đồng Nai nhận được lá thư tố cáo của một nữ khán giả lớn tuổi về điểm giữ trẻ ở phường Quyết Thắng – Biên Hòa, lãnh đạo phòng thời sự đã cử một BTV nữ tìm hiểu sự việc. Quá trình tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện phóng sự cũng tốn thời gian do lá thư không ký tên và những thông tin liên quan đến điểm giữ trẻ này phần lớn là bất lợi cho tác nghiệp.

Việc ghi hình cho phóng sự không phải lúc nào cũng làm được vì camera được đặt từ phòng vệ sinh của bệnh viện, một phòng vệ sinh dành cho nhiều bệnh nhân trong một buồng bệnh, không phải lúc nào phóng viên cũng chiếm không gian này được. Giải quyết đề tài phóng sự này là công việc đột xuất của phòng thời sự và các phóng viên, biên tập viên được phân công họ còn các công việc định kỳ khác. Có thể coi lại bảng nhuận bút hoặc bản tin lưu của Đài sẽ biết trong thời gian từ cuối tháng 12 (khi được phân công đột xuất) đến ngày 11/1 khi thực hiện xong phóng sự, những tác giả này còn làm thêm các công tác gì, hoặc có thể coi lại sổ sách để biết được chiếc camera DV-Cam mà phóng viên Võ Lê Kiệt sử dụng để quay những hình ảnh cho phóng sự được xuất đi phục vụ những nội dung nào, vào thời điểm nào. Đó là chưa kể có nhiều lần phóng viên đến vị trí tập kết và chuẩn bị công phu thì chuyện bạo hành ấy không diễn ra. Và tất nhiên, dù có khùng điên đến mấy, bà Hoa cũng không thể đánh trẻ suốt ngày và có thể đánh đến... chết (như bạn giả định) để họ ghi hình và đây là công việc làm ăn, nên bà Hoa không dại gì đánh trẻ mà để cho cha mẹ các cháu biết.

Cũng xin nói thêm với bạn một chuyện bên lề:Trong quá trình thực hiện phóng sự, sau khi ghi được đoạn băng nói trên, Đài Đồng Nai chỉ mời duy nhất báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cùng vào cuộc với mình, cụ thể là anh Minh Chung, phó phòng đã điện thoại gặp anh Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn báo PLTPHCM để bàn việc hợp tác thông tin (đài phát hôm trước, báo đăng sáng hôm sau). Vào ngày 16/1, sau khi phóng sự được phát trên truyền hình quốc gia làm bàng hoàng dư luận đêm trước, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí khác đã về Đồng Nai và một trong những điểm tiếp cận của họ là Phòng thời sự ĐN-RTV. Đó cũng là một ngày bận rộn của anh Hoàng Minh, trưởng phòng, nhưng anh cũng tranh thủ tiếp xúc, cung cấp thông tin và đoạn clip cho các báo bạn. Trong lúc cung cấp đoạn clip để các báo xử lý hình ảnh anh Hoàng Minh có nói: Để làm được phóng sự này chúng tôi đã mất cả tháng trời. Đó là cách nói “lượng hóa” công phu vất vả (giống như một nhà văn nói rằng tác phẩm này tôi viết trong 3 năm thì điều đó không đồng nghĩa với việc ngày nào ông ta cũng dành thời gian để viết tác phẩm ấy). Thông tin này được các báo trích dẫn. Và bài viết của bạn căn cứ thông tin từ các báo kia để đưa ra một điều mặc định làm cơ sở lập luận là trong vòng 1 tháng đó, ngày nào phóng viên cũng chứng kiến cảnh hành hạ nhưng cứ vô tư quay để LỰA CHỌN hình ảnh và âm thanh đắt nhất.

Từ cách hiểu đó, bài viết của bạn mở đầu bằng một lời buộc tội:

“Vì muốn có một phóng sự truyền hình “hot”, nhà báo đã vô tình "im lặng" khi thấy tội ác đang diễn ra trong một thời gian khá dài mà lẽ ra phải ngăn chặn càng sớm càng tốt”.

Và đoạn cuối:

“Vì một phóng sự truyền hình mà để các cháu tiếp tục sống trong vòng tay quỷ dữ thêm một tháng nữa, đó là điều nhà báo có nên làm hay không? Lương tâm con người có cho phép chúng ta hành xử như vậy hay không? Có thể phụ huynh các cháu cảm ơn nhà báo vì đã phanh phui sự thật nhằm đưa kẻ phạm tội vào nhà đá nhưng chắc chắn họ cũng oán trách: “trời ơi, sao nhà báo biết rõ con tôi bị đánh đập dã man như thế mà không báo cho chúng tôi biết sớm mà để con tôi bị hành hạ thêm một tháng như thế?”. Nếu chúng ta là cha mẹ của các cháu đó, chắc chúng ta cũng sẽ oán trách như vậy! Chỉ một tiếng khóc thất thanh của một bé trong phóng sự đã làm chúng ta đau xé lòng, huống hồ để các cháu phải chịu đựng thêm vài tuần để “cô chú quay phim cho hình ảnh chân thực”. Một phóng sự truyền hình hay, xử lý kẻ phạm tội và cứu các cháu nhỏ đang bị nguy hiểm đến tính mạng, chúng ta ưu tiên cái nào trước? Có phải cứu các cháu nhỏ khỏi nanh vuốt ác quỷ phải là ưu tiên hàng đầu?”.

Có lẽ mình không bình luận thêm vì trong các comment từ entry của bạn (mà entry này đã in trên báo) đã có nhiều ý kiến khá sắc sảo.

Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, không có gì khó khăn để kiểm chứng các chi tiết và đó là điều cần phải làm trước khi đưa ra đánh giá của mình. Trong comment vào entry của bạn hôm qua, tôi đã chỉ ra một chi tiết sai khó chấp nhận: tên 2 phóng viên thực hiện phóng sự không có ai là M và Q cả.

Bạn à, hiện thực cuộc sống đâu có đơn giản như những gì mình nghĩ. Khi bắt tay thực hiện phóng sự này, những người thực hiện hầu như không cảm nhận được nó sẽ gây tiếng vang lớn như thế. Họ chỉ làm vì bức xúc và tìm mọi cách để làm cho được. Và để bảo vệ nguồn tin và bảo vệ chính mình, thậm chí họ xin không nhận giải thưởng.

Suy luận của bạn về động cơ tạo phóng sự hot – vô tình hay cố ý – đã làm tổn thương họ. Lập luận của bạn dù nhân danh sự trao đổi hay bình luận cũng hàm ý phê phán họ vô đạo đức.

Bài viết của bạn có góc nhìn lạ trong chuỗi những bài về đề tài này nhưng tiếc quá, bạn không phỏng vấn những người bị mình phê phán (một việc không quá khó khăn) để họ có cơ hội “thanh minh” trước khi bị bạn buộc tội.

------------------------

Ảnh: “Em bé Châu Phi và con kên kên” của Kevin Carter, tác phẩm đạt giải Pulizer. Tác giả bức ảnh đã tự tử vì không chịu nổi những lời thị phi


Nhãn:

31 Nhận xét:

Anonymous Yen Ha nói...

Em rất ủng hộ những lý giải và quan điểm của anh; thực sự xúc động về bức ảnh minh họa và những gì liên quan đến bức ảnh đó.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous HTGiap nói...

Đọc bài này và hiểu thêm về chuyện "hậu trường". Hôm trước đọc thông tin "một tháng" em cũng hơi ngạc nhiên và bị sốc, nên cũng đã nghĩ không hay về 2 đồng nghiệp nhà đài. Cảm ơn bác đã "nói lại cho rõ".

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Bé Hoàng_ Chồng bé Chuột nói...

Tấm Ảnh ....đủ truyền tải hết những gì mà vùng đất này đang hứng chịu......
và trên hết!................!cái nghịch cảnh này đôi khi nhức nhối đến......"vô cảm".......

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

anh Tú ơi, vì là dư luận chỉ biết bà Hoa đánh các cháu liên tục, cũng là do mình thông tin thôi. Về thời lượng, quan trọng lắm chớ, một cuốn sách anh viết 1 tháng hay 3 năm chả (ko chết ai) nhưng chuyện bạo hành 1 ngay hay cả tháng thì lại khác. Vấn đề ở đây, cần hơn là tính chính xác của thông tin, nếu ta nói rồi, nay ta nói lại, liệu rằng độc giả sẽ như thế nào?
Trong pháp luật, lần đầu phạm tội, hay pham tội nhiều lần, khác nhau à! hoặc khi định lượng hành vi phạm tội, người ta cũng xem xét tính liên tục của hành vi để mà xét đến yếu tố tăng nặng hay giảm nhẹ hinh phạt.
Rốt cuộc, vấn đề ở đây, vẫn là tính chính xác của thông tin. Với bà Hoa, chuyện đưa ra công luận là đáng làm, và càng đắt giá hơn khi tình hình hiện này xảy ra các chuyện bạo hành trẻ em, nhưng, trước khi tòa án kết tội ba Hoa, thì báo chí cũng đã thực hiện phiên tòa dư luận. Vậy chăng, có cần thiết nữa ko anh?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

em nói tiếp nghen:
chuyện bạo hành, khi đưa lên truyền hình, dù chỉ là 1 lần diễn ra, người ta cũng đủ phẫn nộ, huống hồ mình bảo chuyện này thường xuyên, liên tục, 1 tháng, hay nhiều tháng.
Đau lòng chứ.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Neco nói...

Bài viết giúp em hiểu nhiều hơn về những gì đang diễn ra chung quanh mình! Cảm ơn những lời chia sẻ của anh!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous DoNguyenBinh nói...

Cảm ơn những chia sẻ của anh,
Thật không công bằng cho những người "mạo hiểm" để đánh động dư luận rồi bị một số dư luận khác đánh lại.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TKO nói...

Anh Tú ơi!
Giá như tập được thói quen quan sát mà không ...phán xét thì hay biết mấy! Có ai toàn vẹn đâu! Bản thân mình cũng vậy!
Nhưng mà thói thường, thấy việc gì, phải tư duy, nhận định rồi qui kết theo ý nghĩ chủ quan của mình, hok đủ thông tin xác thực và thế là suy diễn ...vô tư! Thiệt tình là cái tật của nhiều người trong đó có em!:D
May là chỉ suy nghĩ, không phát biểu ấm ớ, chứ không cũng ...rầy rà lắm thay!:D

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Đen nói...

Chào anh Tú. Xin được góp ý về vấn đề này. Tôi là một trong những người đầu tiên bực bội vì cái đoạn "mất hàng tháng trời" mà báo chí đưa lên. Qua bài viết này, anh phê bình những người như chúng tôi đã không phỏng vấn những người làm phóng sự trước khi kết án họ vô đạo đức. Làm tổn thương họ.
Sao anh không nghĩ cho hoàn cảnh của chúng tôi trong tình hình hiện nay. Thông tin báo chí là một chiều, là độc quyền. Hoàn toàn không có tờ báo nào nói ngược lại. Chúng tôi chỉ biết đến thông tin qua báo chí, chứ không có nguồn kiểm chứng khác. Chúng tôi biểu tình phản đối Trung Quốc vì lòng yêu nước tự phát, thì các anh đưa tin là chúng tôi bị giựt dây bởi các thế lực phản động. Có ai hiểu khác hơn được những gì các anh nói, nếu không thấy được những gì diễn ra, mà chỉ đọc báo? Chuyện của cô bé Thùy Linh, liệu báo chí các anh đã khai thác hết mọi mặt được chưa? Chuyện cây cầu Cần Thơ bị sập, báo chí các anh đã công bố được hết danh sách các nạn nhân chưa, hay chỉ gói gọn số nạn nhân vào hai tỉnh CT và VL, để dồn hết số tiền cứu trợ vào đó? Trách nhiệm của Bộ Trưởng, các anh đã viết đến cùng chưa? Còn nhiều lắm. Báo chí các anh chỉ viết những gì được chỉ đạo viết, và im lặng trước bao nhiêu cái lẽ ra phải viết. Các anh đã làm được theo sứ mạng của báo chí, là bảo vệ sự thật, đứng về công lý chưa?
Sao anh lại trách chúng tôi, những người không có nguồn thông tin đối lập, để phê bình sự kiện? Lẽ ra anh nên trách người viết bài đã không phản ánh được hết sự thật. Để chúng tôi hiểu lầm. Hay đó lại nằm trong thủ thuật giật gân, câu khách bằng biện pháp tu từ? 10 đồng và chưa đến 10 tỷ là hai khái niệm giống nhau, và liệu tác giả bài viết có cố tình sử dụng thủ thuật này, hay chỉ vô tình, vì khả nằng viết còn kém? Chúng tôi, đến lượt chúng tôi, cũng không có khả năng kiểm chứng. Thế thì anh buộc chúng tôi, để tránh sai lầm kết oan người vô tội, phải giữ im lặng hay sao? Để chúng tôi chỉ biết khen theo những gì các anh khen, và căm giận những gì các anh căm giận? Thế các anh có căm thù Trung Quốc qua vụ Hoàng Sa Trường Sa không? Lập trường các anh có phải là luôn coi quan hệ hữu nghị là tài sản vô giá hay không?
Anh viết những dòng chữ này, anh có cho chúng tôi có cơ hội thanh minh không?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous DoNguyenBinh nói...

"mạo hiểm" trong ngoặc kép trong comment trên là để nhấn mạnh chứ không phải để hiểu theo ý khác

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Ngochb nói...

Em nghĩ là những người lên án các phóng viên làm truyền hình không can thiệp vào việc của bà Hoa (hoặc bất cứ trường hợp bạo hành nào khác) là những người rất cảm tính. Cho dù có việc hành hạ liên tục đi chăng nữa, khi đưa trường hợp này ra công luận, và pháp luật xử lý, thì phải có bằng chứng xác thực. Khẩu thiệt vô bằng, nhỡ khi kiện tụng thiếu bằng chứng thì lấy gì kết tội và xử tội người ác ? Hơn nữa, công an khi khám nhà còn phải có lệnh, người dân thường như phóng viên lấy quyền gì mà can thiệp, chẳng nhẽ làm Lục Vân Tiên xông vào đánh người rồi ra tòa vì tội cố ý gây thương tích cho người khác sao ? Báo cho bố mẹ các em hiện đang ở đó, lấy gì người ta tin, hơn nữa người ta có tin nhưng vẫn có những người không biết đem con gửi cho bà đó (trong tương lai) thì sao ?
Ngoài ra, việc đưa tên tuổi những người làm phóng sự (cho dù dưới dạng viết tắt, ẩn danh, hoặc nơi làm việc) thì cũng không hề tốt, vì hiện tại, điều kiện của chúng ta chưa cho phép bảo vệ đến từng người, lấy gì đảm bảo an toàn cho những người đã, đang và sẽ làm những phóng sự nhạy cảm ?
Thật đáng buồn cho một số người thiếu hiểu biết về pháp luật nhưng lại ngụy biện nhân danh đạo đức để lên án người khác !

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ All: Giả sử là phóng sự đó thực hiện đúng 1 tháng thì điều ấy cũng không đồng nghĩa với việc có thể suy luận rằng: phóng viên đã có 1 tháng ngồi trước nhà bà Hoa để hàng ngày chứng kiến cảnh bạo hành. Nội dung phóng sự còn có phỏng vấn luật gia, phỏng vấn bác sĩ, phỏng vấn người dân v.v....
Phóng viên Đài Đồng Nai như đã nói phải nhờ phòng vệ sinh của bệnh viện để ghi hình lén. Ghi hình lén nên không biết "giáo án" bà Hoa ra sao để chuẩn bị, chỉ chờ cơ hội bà HOa "giơ tay là bấm" máy! Giả sử lúc đó có chứng kiến một cảnh bạo hành thương tâm thì cũng không thể vượt qua bức tường đó (xem thêm sơ đồ trong entry trước) vì họ phải đi vòng vào bệnh viện...
Vì sao chúng ta cứ nghĩ là nhóm phóng viên đó không sốt ruột giải cứu các cháu mà chỉ lo làm cho được phóng sự?
@ Đen: Thông tin trên blog là thông tin đa chiều, khi bạn comment vào blog tôi là bạn đã có cơ hội "thanh minh" kia mà!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous DoNguyenBinh nói...

Bác Đen có vẻ vội vàng quá, hay yêu thương quá, hay bức xúc quá mà "quên" nhận xét trước thông tin công cộng. Và quên đi vấn đề của các trung tâm báo chí.
Càng bàn càng đi xa vấn đề. Thôi thì mỗi người giữ lấy quan điểm của mình mà tự phán xét vậy.
Thông tin tự nó không phán xét hay bình luận.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Đen nói...

Cảm ơn anh Tú về những bài viết trên blog, để sự việc được soi sáng đủ chiều.
Sau này tôi sẽ đọc blog của anh nhiều hơn.
Nếu anh có chút tiếng nói nào, xin anh giúp góp ý với báo chí về vụ vội vã công bố một người nào đó là tội phạm, trước khi có bản án. Lấy ngay trong vụ bà Hoa đi. Dù đã đưa đoạn phim công chiếu, nhưng ngày hôm ấy công an mới vào cuộc. Có nghĩa là chưa có xử án. Vậy thì dựa vào đâu để khẳng định bà là tội phạm, và công bố danh tính của bà sớm thế? Chỉ là một thí dụ thôi, bao nhiêu vụ xưa nay đều vậy.
Tôi thấy báo chí khi thường chỉ cẩn thận che giấu danh tính của những người đầy tớ nhân dân mà thôi. Giả như có đầy tớ nào phạm tội thì các báo chỉ dám nêu tên A, B, C thôi, đố có dám hành xử vội vã như với các ông chủ của đất nước. Còn qua vụ tóm bốn sinh viên bị coi là phát tán phim Vàng Anh thì báo chí quá yếu rồi. Được mời đến quay phim, ghi hình nữa chứ.
Nào có cho họ cơ hội thanh minh trước khi kết án?
Phản hồi của tôi, rõ ràng là "ăn theo". Chỉ vì có bài viết của anh mà tôi mới có dịp ăn theo những suy nghĩ này. Cảm ơn anh.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Giả sử chỉ là những lời bình luận trên blog thì các phóng viên thực hiện phóng sự ấy chắc cũng không để ý làm gì. Và trong trường hợp chỉ viết blog hoặc comment vào blog khác thì không kiểm chứng không sao. Còn đây, bài viết "đặt ngược vấn đề" đã được đăng báo, một tờ báo pháp luật... thì không thể không kiểm chứng, không thể sử dụng tư liệu cấp 2 - cấp 3 được. Và với trường hợp bài viết "quy tội" các phóng viên đài Đồng Nai, lại vẫn cần bàn tiếp về kỹ năng tác nghiệp cũng như cái tâm, đạo đức nhà báo không?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Theo tôi, các nhà báo (báo hình, báo nói, báo viết) nên cẩn trọng khi kể lại CHUYỆN BÊN LỀ.
Nhà báo VN có tánh thiệt thà!
Họ hay kể lại tất tần tật những bí quyết khi tác nghiệp cho mọi người nghe (và đọc).
Những lần sau, khó có thể lập lại những hành động bí mật ấy.
Vì đã công khai ra hết rồi, dễ bị lộ.
(thí dụ, giả dạng bán báo, bán vé số, xe ôm, những mẹo nhỏ để tiếp cận đối tượng để thu âm, chụp ảnh....)
"Bọn xấu" sẽ cảnh giác, sẽ đề phòng.
Nhà báo hết đường dùng mánh cũ lập lại.
Trong vụ này, cũng vì bản tánh thiệt thà, thành thật khai báo, chi tiết 1 THÁNG khiến bạn đọc giận con mụ Hoa, rồi giận lây sang các phóng viên đài truyền hình.
Cái giận đó hoàn toàn có lý!
Các phóng viên dù rất thông minh và năng động khi nghĩ cách quay được những thước phim sống động, cũng nên thông cảm cho sự giận dữ này.
Đọc báo nước ngoài, hiếm khi nào ta đọc được những bài của các nhà báo kể lại quá trình tác nghiệp.
Vì đó là bí mật nghề nghiệp.
Họ không muốn chia sẻ nó cho bất cứ độc giả hay đồng nghiệp nào.
Nhưng người VN mình thì khác.
Kể lại để được cảm thông.
Khi đã cảm thông và nhìn kết quả thực tế, chúng ta hãy BAO DUNG.
Những lời trách móc nặng nề của bạn đọc sẽ là những kinh nghiệm quý giá lắm đó chứ!
Chúc tất cả bạn bè sẽ "nguội" lại.
tôi thấy hình như đôi bên đã bắt đầu nặng lời với nhau rồi!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous tacouin nói...

Cám ơn entry nầy của chú Tú.
Bạn Đen đừng nên lan man sang chánh trị. Chuyện đang bàn là một đề tài xã hội, loại đề tài mà phạm vi tự do của báo chí là khá rộng. Cách thức phản ánh của báo chí Tây phương trong những trường hợp như vầy cũng không khác bao nhiêu.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Diem xua nói...

"Sang nghề-tử nghiệp" anh ạh, buồn vì chuyện buồn này lôi theo nhiều chuyện buồn khác. Tết sắp đến, công việc bù đầu lại phải căng thẳng vì những chuyện "bên lề sự kiện" nữa thì mệt quá anh hé.
Chúc anh những ngày sắp Tết sẽ nhẹ nhàng hơn, vui hơn anh nghe.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Diem xua nói...

"Sanh nghề-tử nghiệp" anh ạh, buồn vì chuyện buồn này lôi theo nhiều chuyện buồn khác. Tết sắp đến, công việc bù đầu lại phải căng thẳng vì những chuyện "bên lề sự kiện" nữa thì mệt quá anh hé.
Chúc anh những ngày sắp Tết sẽ nhẹ nhàng hơn, vui hơn anh nghe.
(Sorry anh,D typed lộn chữ "sanh" anh delete dùm D còm trước nhe, thanks.)

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous tacouin nói...

Điểm quan trọng đồng tình với chú Tú rằng, trong khi những người khác chỉ viết entry, nhà báo Đăng Bình đã đưa lên báo quan điểm của mình nhưng chưa hề tìm hiểu lại thông tin hay phỏng vấn người trong cuộc. (tên người thực hiện phóng sự được cố ý viết tắt M và Q mà hóa ra trật lất, một chi tiết nhỏ cho thấy sự thiếu nghiêm túc với nghề nghiệp)
"SAO KHÔNG CHO HỌ “THANH MINH” TRƯỚC KHI KẾT ÁN?".
Vấn đề "truyền thông và nhân tính" xin gởi lại những người mạnh mẽ đặt ra cáo buộc quy chụp đó.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Scorpion nói...

Cho em được hóng hớt một ý, chắc chắn rất hỗn xược, nhưng em bức xúc nhiều (anh Tú có thể để lại hoặc xóa đi cũng không buồn).
Thật ra, có một bộ phận người có lỗi trong vụ Quảng Thị Kim Hoa, bộ phận này với cá nhân em là đáng chê trách, khi em đứng ở góc nhìn của các bé: Đó chính là những người "được phỏng vấn".
Em đã xem hết tất cả các phóng sự liên quan đến vụ việc này, đã nuốt từng lời các vị nói ra, vậy mà một lời xin lỗi em chờ hòai hỏng có thấy anh Tú ơi. Những người "có chức phận" lỡ quên câu xin lỗi - xin lỗi chính các bé, xin lỗi tất cả phụ huynh và xin lỗi công chúng - hay tại họ có nói mà phóng viên lỡ cắt bớt vậy anh.
Khổ thân em hay nghĩ ngợi, thiệt là tình.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous huy truong nói...

Uhm, em thấy đây là vấn đề giữa cái RIÊNG và cái CHUNG mà thôi. Gỉa sử như các PV lác ấy nhẩy vào can thiệp thì cũng chỉ là muối bỏ bể mà thôi, còn biết bao những vụ bạo hành trên cả nước VN vẫn diễn ra đấy thôi. Không có clip ấy thì lấy gì cảnh tỉnh, làm sao dư luận biết và quan tâm đến sự việc này, tức bạo hành với con trẻ ?
Đã mang lấy nghiệp vào thân, bổn phận của người phóng viên là truyền tải thông tin đến rộng rãi công chúng . Người ta có thể trách anh CA trong trường hợp này thì đúng hơn.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous milk xinh nói...

sao ko ai nói j về những người xung quanh nhà bà Hoa ấy mà cứ nhè vào cánh nhà báo thể nhỉ? ko có họ thì vụ này cũng chìm rồi. hic

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous NgocLan nói...

Em rất thích câu “sanh nghể tử nghiệp’. Mỗi người chỉ am hiểu về mỗi công việc của mình, nhưng lại thích tỏ ra tường tận tất tần tật, nhất là bình luận về công việc của người khác. Vì vậy khi có ‘sự cố’ nghề nghiệp gì xảy ra, chỉ có dân trong nghề họa chăng có sự đồng cảm với nhau, còn l‎í giải với người ngoài, đặc biệt người đã muốn kiếm chuyện thì ôi thôi… khó còn hơn nói chuyện “hòa hợp hòa giải dân tộc”.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Ken nói...

Con chào chú,
Con là một trong những người gửi message nhờ chú giải thích việc tác nghiệp mất 1 tháng này. Con rất vui khi đọc entry này của chú, xin phép chú cho con được copy sang blog.
À, lần về VN nào con cũng lên nhà cô Ánh chơi cả. Lần tới về VN, chú cháu mình gặp nhau được không chú?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Thạch lão gia nói...

TÌM THẤY KHUYẾT ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC THÌ DỄ , NHÌN RA KHUYẾT ĐIỂM CỦA MÌNH MỚI KHÓ !
Tôi thông cảm nhiều với các phóng viên và cũng như một số bạn , rất buồn và giận " những người sống quanh ...nhà trẻ " , dù là cán bộ hay thường dân vì chất NGƯỜI của họ !

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Càm Ràm nói...

một entry và cả những comment rất đáng đọc, cám ơn mọi người.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Nguyễn Tử Vương nói...

Trước tiên, em đồng ý cách nói của anh PHAN VĂN TÚ về việc một nhà báo nào đó đã dựa vào những chứng cứ ngôn từ của các phóng viên đài Phát Thanh Truyền Hình Đồng Nai để ngụy biện theo cách hiểu của anh ta và làm ra một bài báo HOT. Cách làm của nhà báo kia hơi quá đáng. Tuy nhiên, ngôn từ ấy mà, khi dùng phải cẩn thận, nếu dùng sai sẽ gây hiểu nhầm cho người khác. Và cách dùng từ "một tháng" đã gây hiểu nhầm cho cả nước. Trong phóng sự phát trên VTV, em chỉ nhớ nhất mỗi chữ "một tháng" và không để ý các tình tiết khác. Chính chữ "một tháng" này đã gây ra bao nhiêu hiểu nhầm, và người chịu trận chính là Phát Thanh Truyền Hình Đồng Nai.
Trở lại chuyện người bảo nhi, nếu như người ta đã quy chụp quá đáng tác giả của video clip trên đài Phát Thanh Truyền Hình Đồng Nai, thì sao lại không nghĩ đến cho tình cảm người bảo nhi. Có lẽ, bà ta không có ý định giết mấy em nhỏ kia đâu, vì đó là nghề kiếm sống của bà ta. Và, bà ta đánh mấy đứa trẻ, âu cũng là muốn chúng ăn thật nhiều mà thôi. Chỉ là cách bà ta ép mấy đứa trẻ ăn không phù hợp mà thôi. Nếu bạn có con, khi con bạn không ăn, bạn làm gì?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Juriste nói...

Ủng hộ bác Phan:
Nếu không có phóng sự đó thì liệu vấn nạn bạo hành với trẻ em có làm xã hội để tâm nhiều đến thế không? Liệu công an có bằng chứng cụ thể để bắt giữ QTKH hay không?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous trangha nói...

Chào anh, 2 tháng trước em có đăng ký đề tài tham luận tại một Học viện báo chí, diễn giảng về đề tài "Đạo đức nghề nghiệp Vs đạo đức xã hội" thì ngay khi đề nghị, đúng nội dung Entry này đây (khi đó chưa có vụ bà Hoa nên chỉ có các dẫn chứng còn lại, và 1 số vụ án tại ĐL) thì đã được giáo viên trường này tranh luận liền, kêu đạo đức xã hội là quy chuẩn duy nhất cho mọi nghề nghiệp. Em nghĩ, nhà báo mạnh mẽ bởi có tiếng nói nghề nghiệp chứ không mạnh về quả đấm, tiền bạc, năng lực siêu nhân để cứu vớt thế giới ngay.
Thế là em cũng ko buồn diễn giảng nữa.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Annie & Tonnie nói...

"Tác giả bức ảnh đã tự tử vì không chịu nổi những lời thị phi"
Nhận xét này chủ quan và không chính xác. Đây là những lời ông Carter viết trước khi tự tử "depressed . . . without phone . . . money for rent . . . money for child support . . . money for debts . . . money!!! . . . I am haunted by the vivid memories of killings & corpses & anger & pain . . . of starving or wounded children, of trigger-happy madmen, often police, of killer executioners".

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ