Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

KHEN CŨNG SỢ

Cách đây khá lâu, tôi được Liên đoàn lao động giới thiệu làm một phóng sự truyền hình về một gia đình công nhân tiêu biểu ở công ty B. Liên lạc với nhân vật chính qua điện thoại, chị chối đay đảy. Hỏi kỹ thì biết, trước đó không lâu, một đồng nghiệp đã từng làm phóng sự về gia đình chị. Không biết đồng nghiệp xử lý thông tin thế nào mà khi xem phóng sự, chồng chị đã bất bình và … “chiến tranh nóng” nổ ra khiến chị mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày. Chị bảo, giờ chị sợ nhà báo lắm rồi. Không có nhà báo, gia đình chị êm đềm hạnh phúc. Được tuyên dương hoá ra lại mất đoàn kết.

Còn nhà giáo T. thì tâm sự là rất sợ bị phỏng vấn vì đôi khi mình nói rất tâm huyết, rất toàn diện nhưng khi nhà báo cắt xén xong thì phần phát biểu của mình trở thành khập khiễng, phiến diện.

Một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá đã có lần than phiền với tôi rằng, ông không thể hiểu được các phóng viên và cách làm việc của họ. Ông dẫn chứng: “Phóng viên hỏi tôi nên hiểu thế nào về văn hoá kinh doanh. Tôi trả lời 4 ý nhưng phóng viên về chỉ lấy có 1 ý. Thế là, trên truyền hình, tôi thành ra một nhà khoa học rất thiếu nghiêm túc. Các phóng viên đi phỏng vấn nhà nghiên cứu cho nó “có tụ” vậy thôi, chứ cuối cùng thì họ làm theo ý họ mà chẳng thèm đếm xỉa gì đến nhà nghiên cứu cả.”

Đấy là bức xúc của những người ngoài làng. Còn trong làng báo của chúng ta thì sao?

Không phải không có lý do mà bản thân các nhà báo rất “sợ bị lên báo”. Nhiều nhà báo khi được tuyên dương và nêu gương trên báo thì đành tự viết về mình hoặc tự phỏng vấn mình cho an toàn!

Có lẽ vì, hơn ai hết, nhà báo là người hiểu tầm quan trọng của việc xử lý thông tin. Nhà báo cũng là người hiểu hơn ai hết việc làm hình ảnh nhân vật “thật” và “đẹp” lên trong mắt độc giả, khán giả, thính giả quan trọng thế nào và có tác động ra sao. Hơn nữa, các nhà báo là những người ít nhiều đã từng bị nghe “than phiền”, vì vô tình hay cố ý, đã xử lý thông tin theo hướng bất lợi cho nhân vật mà mình viết hay người được mình phỏng vấn.

Những ai đã từng làm truyền hình chắc không lạ những tình huống, hình ảnh quay chưa đẹp lắm, chưa đầy đủ lắm, nhưng vì áp lực thời hạn hoàn thành tác phẩm mà tặc lưỡi “đóng máy” cho xong.

Những người làm báo cũng hiểu rất rõ, rằng đôi khi vì khuôn khổ trang báo hay thời lượng phát sóng, ta đã cắt gọt không thương tiếc những tâm huyết của nhân vật. Và cũng không loại trừ, cách hiểu của nhà báo chưa toàn diện và thấu đáo, đã làm việc xử lý thông tin trở nên vụng về và thiếu khoa học…

Lên báo lên đài đối với một số người là niềm vui, với một số người khác là trách nhiệm, với ai đó là quyền lợi, và với không ít người, là cực hình, có thể lắm chứ! Họ có thể là trí thức, là người công nhân trong công xưởng, là người nông dân lam lũ ngoài ruộng đồng, là bác xe ôm phơi mưa phơi nắng… hay thậm chí là kẻ tội phạm đang bị lên án…

Dù là ai, dù bước lên trang báo hay lên màn ảnh truyền hình, ở vị thế nào, các nhân vật của chúng ta cũng muốn và hy vọng mình đẹp hơn, hoặc chí ít là không xấu hơn thực tế.

Các nhà báo được lên báo chắc chắn cũng vậy, không muốn bị tô vẽ đến mức người khác không thể nhận ra mình, nhưng cũng không muốn bị bôi xoá đến mức phải ân hận vì đã đồng ý bước ra công luận. Và vì thế, hãy thử đặt mình vào vị trí của người được mình viết, được mình phỏng vấn để xử lý thông tin.

Nhà báo sẽ không làm được gì nếu không có sự hợp tác của những đối tượng liên quan đến tác phẩm. Và cũng sẽ là thất bại nếu sau khi tác phẩm công bố, những đối tượng đã từng hợp tác lại không chịu tiếp nhà báo lần thứ 2.

Nhãn:

7 Nhận xét:

Anonymous Hoang Anh nói...

Hoàn toàn đồng ý với anh. Mặc dù tôi rất ngưỡng mộ nghề báo và nhà báo, nhưng phải công nhận là rất ít người viết báo ở Việt Nam xứng với danh hiệu ấy. Tôi cũng từng băn khoăn, làm sao làm tốt công việc của mình? Nay thì tôi hiểu, bí quyết của việc ấy rất đơn giản: "Khi làm việc gì cho ai, hãy đặt mình vào vị trí của người ấy. Nếu mình vừa lòng thì 90% là người ta cũng vừa lòng thôi!" Không chỉ riêng với nghề báo mà nghề nào cũng thế!Tiếc rằng ít người muốn làm như vậy!

lúc 18:31 26 tháng 12, 2008  
Anonymous txh nói...

Nan nhan dien hinh HDT

lúc 20:57 26 tháng 12, 2008  
Anonymous Quáng gà nói...

đó là việc ko chuyên nghiệp và thiếu kiến thức nền. đơn giản là vậy

lúc 03:48 27 tháng 12, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cứ có ghi âm sòng phẳng và báo trước là ok. Nếu thống nhất 2 bên trc khi đăng bài thì tuyệt. Nói chung là vào thực tế thì muôn hình vạn trạng...

lúc 03:53 27 tháng 12, 2008  
Anonymous CỌP CÁI nói...

Đôi khi nhà báo cũng bị áp lực do biên tập đã cắt khúc họ ưng ý nhất thì sao? Dù họ muốn trung thành với người được phỏng vấn cũng không thể Hic. Nói chung, khi viết về gương tốt hay khen cũng phải cẩn thận. Nếu không cẩn thận thì chính nhà báo là người trả giá cho "những lời khen" của mình và làm phiền lụy đến người được phỏng vấn. P/S: Anh vẫn chưa add Blog em, trong list chưa có. Mỗi lần muốn vào xem hơi bị lâu hehe

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous thị nói...

Anh viết đúng và hay quá. Không những người trong làng mà ngoài làng như bọn em cũng phải suy nghĩ về những điều rộng hơn như việc xử lí thông tin nữa đó anh. Có việc mình bị ý nghĩ chủ quan chi phối, suy diễn rồi bình luận theo ý mình, đôi lúc sẽ làm tổn thương người được đề cập phải không ạ.
Cái còm có vẻ trớt quớt, anh thông cảm, hihi...

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Ngôn Action++ nói...

A Tú nói quá đúng. Em không biết báo chí nước ngoài có tình trạng như vậy không chứ có vẻ nhiều nhà báo ở nước ta vẫn còn viết theo nhận định chủ quan nhiều quá. Đôi lần phỏng vấn là vậy nhưng nhiều lúc còn sửa lại theo một hướng khác. Hỏi thì họ nói cho bài viết ...hấp dẫn hơn, nhưng đôi khi lại gây ra nhiều cái dở khóc dở cười @_@ hay thổi phồng quá mức

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ