Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

VÀ ĐẦU NẬU ĐÃ TẠO RA NHỮNG TÁC GIA




1.

Một tay kỹ sư điện tử, học tại chức, thất nghiệp, được tiếp cận một phần mềm biên tập âm thanh từ một khóa học vi tính, do thời gian rảnh rỗi, anh ta viết lại bài học (vốn chỉ có tính chất hướng dẫn thao tác) rồi chụp lại màn hình máy tính để minh họa kiểu thị phạm. “Tài liệu” này sau đó được bán cho một nhà xuất bản ngành (thông qua đầu nậu). Cuốn sách được in ra. Sách rất dày nhờ ảnh chụp màn hình quá nhiều, còn lại là phần hướng dẫn thao tác. Nội dung phần anh ta “biên soạn” này chưa được 50% thông tin có sẵn trong phần hướng dẫn (help) bằng tiếng Anh được tích hợp với phần mềm ấy. Nhưng điều đáng nói là phần anh ta “biên soạn” lại sai nhiều kiến thức và cách dùng từ, thuật ngữ. Người thầy từng dạy anh ta học vi tính đưa cho tôi coi cuốn sách và lắc đầu.

Rất nhiều cuốn sách cũng có “lịch sử hình thành” tương tự. Những người biên soạn không phải là người giỏi học thuật, chuyên môn mà… nhạy bén với thị trường sách. Không có gì khó khăn để chứng minh rằng nhiều cuốn sách tham khảo cho học sinh phổ thông đều lấy đề, bài tập từ sách giáo khoa, sách bài tập để giải, hầu như không có một hướng dẫn hay gợi ý nào để học sinh tự trả lời. Và nội dung giải đáp các câu hỏi trong những loại sách này thì có không biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt mà báo chí (đặc biệt là cô Tú của báo Tuổi Trẻ Cười) cũng nói đến nhưng không thể nào nói hết.

Nhiều cuốn sách tham khảo, sách công cụ được làm bằng công nghệ copy – paste: lấy cuốn này một phần, cuốn kia một phần để “làm mới” với tên gọi thật kêu! Thậm chí có trường hợp sử dụng nguyên xi nội dung một cuốn sách tham khảo đã in để tái bản với tên gọi câu khách mới, tại một nhà xuất bản khác.

Những nhà giáo chân chính, cả đời làm sư phạm, có nhiều kỹ năng chuyên môn giỏi đã nhiều lần lên tiếng bất bình về những cuốn sách “tham khảo” kiểu đó. Họ cho rằng đó là những cuốn sách phá hỏng giáo dục: tạo tâm lý đối phó trong học tập thi cử, tạo ra hình thức học vẹt, văn mẫu, không chỉ sai kiến thức nặng mà còn đi ngược lại với sách giáo khoa… Đó là những ấn phẩm đi ngược lại chủ trương của cả nền giáo dục!

2.

Có những nhà báo do có điều kiện tài chính (được đại gia hỗ trợ, do có chức vụ nên sử dụng nguồn ngân sách hoặc gia đình có thu nhập cao) cũng bỏ tiền làm sách bằng cách tập hợp thơ, bài viết của mình. Nhiều cuốn sách được in rất đẹp, trang bìa 4 có hình ảnh, bút tích của tác giả một trông rất hoành tráng. Nhưng ai lỡ đọc rồi thì phải giật mình mà thốt lên: làm sách thế này thì ai chẳng làm được, làm sách thế này thì xúc phạm câu chữ thánh hiền quá đỗi.

Có người làm sách do nhu cầu đánh bóng bản thân nhưng cũng có không ít người làm sách vì tiền. Họ ý thức rất rõ sách của họ không có giá trị thông tin, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, giải trí, nhưng họ có “kênh phát hành” để kiếm một khoản lời lớn. Có một ông nhà báo chuyên đẩy sách về các xứ đạo ở Đồng Nai do mối quan hệ với các linh mục chánh xứ. Có một “nhà thơ” chuyên ép các thư viện trường học mua thơ mình (vốn sản xuất rất nhanh) nhờ quen biết phó giám đốc Sở…

3.

Đi vào các nhà sách, cửa hiệu sách bây giờ, có cảm giác như đi lạc vào giữa một rừng sách tham khảo và sách công cụ của nhiều tác giả, nhiều nhà xuất bản. Sách tham khảo, sách công cụ vẫn tràn ngập cho dù đã có biết bao bài viết phân tích tình trạng thả nổi mảng sách này.

Một người học tiếng Anh sẽ thật sự hoang mang không biết chọn cho mình bộ sách nào để mua vì quá nhiều cái tựa, mà tựa sách dường như là cái người ta làm kỹ nhất vì mục tiêu… bán sách. Mỗi một môn học có ít nhất từ 3, 4 đầu sách tham khảo. Các môn cơ bản và các môn có thể thi Tú tài như toán, văn, ngoại ngữ, vật lý, hoá học có số lượng sách tham khảo nhiều với hàng chục đầu sách. Nào những bài văn mẫu, các bài tập chọn lọc, luyện thi đại học (về toán, lý, hoá, tiếng Anh…), nào những sổ tay, bí quyết, hỗ trợ kiến thức v.v… nhan nhản. Tâm lý phụ huynh và học sinh là “đọc lầm hơn bỏ sót” vì muốn có càng nhiều sách phục vụ cho việc học để “bằng anh bằng chị” nên dù xót xa số tiền bỏ ra cũng ít khi dũng cảm bỏ qua sách tham khảo… Học sinh nào may mắn có thầy cô hướng dẫn thì chuyện mua sách tham khảo đỡ bị lạc vào mê hồn trận, nhưng phần lớn đều bỏ ra số tiền gấp 3,4 lần tiền mua sách giáo khoa. Công bằng mà nói trong số những sách tham khảo, cũng có những cuốn sách tốt, song, số học sinh tiếp cận được sách tốt rất ít, đa số là những sách chất lượng kém, thậm chí có không ít sách rất có hại.

Sách tham khảo, sách công cụ thường do những nhóm làm sách “đại gia” chi phối các nhà xuất bản ngành, địa phương. Lợi nhuận là mục tiêu số một của họ. Những cuốn sách này có đặc điểm giống nhau: giá cao (người mua gánh) và chiết khấu cao (lợi thế phát hành để kích thích người bán). Sách đầu tư ít, in ấn ẩu, sử dụng cỡ (size) chữ lớn, dàn trang thưa dòng, chừa nhiều khoảng trắng để sách có nhiều trang, dễ đưa giá lên... Sách tham khảo là sách giáo dục để giúp học sinh tự học, hiểu sâu thêm kiến thức. Vì sao những sản phẩm văn hoá - giáo dục kém chất lượng lại có thể phát hành tràn lan trên thị trường như vậy?

***

Lâu nay, chúng ta mới chỉ xử lý những cuốn sách in lậu, in nối bản, hoặc sai về chính trị, sai về thuần phong mỹ tục, lối sống, chứ chưa bao giờ xử lý sách kém chất lượng. Vì sao những cuốn sách kém chất lượng ra đời mà những người chịu trách nhiệm xuất bản, những người viết sách không hề hấn gì?

__________________________

Ảnh minh họa khai thác từ internet, nguồn:

http://www.census.gov/pubinfo/www/multimedia/img/reading-hi.jpg


Nhãn:

13 Nhận xét:

Anonymous Càm Ràm nói...

Mới sáng sớm đầu ngày, hỏi chi khó vậy anh?!

lúc 21:58 27 tháng 11, 2007  
Anonymous Neco nói...

Mới sáng sớm đầu ngày, comment chi khó vậy anh Càm Ràm!

lúc 23:46 27 tháng 11, 2007  
Anonymous Nhân Chi Sơ nói...

Cám ơn nhà báo ! Hãy đọc 3 cuốn sách tham khảo dành cho hoc sinh phổ thông , anh sẽ biết hết tất cả những cuốn còn lại ( chỉ khác mỗi tên người biên soạn thôi.
Có một ông bố tốt như bác , chắc thế hệ F1 của gia đình sẽ không bị tẩu hỏa nhập ma .
Góp ý với bác một chút : chữ "tác gia " to quá , bác chỉnh lại một chút được không ? Em thấy hơi kỳ .

lúc 18:11 28 tháng 11, 2007  
Anonymous opoap nói...

nhưng mà cũng có vẻ bó tay bó chân lắm đó anh! :)

lúc 22:24 28 tháng 11, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Nghe đâu con cũng biết vài "nhà thơ" như thế. Hà Nội có, Sài Gòn có mà... Đồng Nai cũng có. Cũng... tội nghiệp họ, mang danh là "nhà" chứ thật ra là "điếm"!!!

lúc 01:40 29 tháng 11, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Thực tế này buồn quá hé anh. Cái thú "lê la" nhà sách đã giảm dần cùng với quỹ thời gian eo hẹp, nay lại thêm phải phân vân sợ "bị lạc vào mê hồn trận"!

lúc 02:31 29 tháng 11, 2007  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Đem chuyện từ blog in thành sách để xuất bản cũng trở thành tác gia đó anh ui.

lúc 02:42 29 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Càm Ràm: Vì Ràm làm cho một Nhà Xuất bản có uy tín bậc nhất Việt Nam hiện nay nên mới thấy khó trả lời thôi!
@ Ấn: Ví dụ thì nhiều lắm.
@ Diễm Xưa: BỞi vậy Diễm phải lo đọc thêm để tư vấn cho con bé nhà Diễm liên tục từ nay đến khi nó học đại học đó!
@ Bằng Lăng: Vấn đề không phải là từ nguồn nào mà là chất lượng.
@ Neco: Anh Càm Ràm chia sẻ thôi, không làm khó anh Tú đâu!

lúc 03:07 29 tháng 11, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Hỏi hẳn người của nhà xuất bản Giáo dục mới biết. Sau khi tổ chức cuộc thi làm sách tham khảo, các cuốn viết ra in tuốt tuột, từ giải nọ tới giải kia, cả không giải. Hèn gì đầu năm, đi mua sách cho con học, mẹ cháu hoa cả mắt.

lúc 23:38 29 tháng 11, 2007  
Anonymous Chaien nói...

Có lẽ không phải đơn giản như vậy, vì nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm. Tại sao nhà báo không mở mục review để chê thậm tệ một quyển sách kém và đòi loại trừ các sách kém chất lượng, và khen sách hay, hướng dẫn người dân nên mua quyển nào. Chỉ sợ nhiều lúc nhà báo cũng nhắm mắt cầm phong bì...

lúc 01:05 30 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Nhân Chi Sơ: Cái từ "tác gia" mình dùng với ý cường điệu. Cái tựa entry này cũng nhại tựa một cuốn sách nổi tiếng. Dù sao, cũng cám ơn bạn quan tâm.
@ Opoap và @ An Thảo: Hy vọng sẽ có những blog làm chuyện phản biện sách!

lúc 03:55 30 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ CHaien: Ý kiến của Chaien hay quá. Báo chí cũng phải là kênh phản biện cho sách kém chất lượng!

lúc 22:57 30 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

Độc giả bi giờ cũng có sự lựa chọn của riêng mình mà anh! :D

lúc 01:23 1 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ